Khôi phục điệu hát trống quân ở Đan Phượng (Hà Tây)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia "Bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Tây", ở nhiều làng quê trong tỉnh, tục hát trống quân đang từng bước được bảo tồn nhằm phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quý báu; trong đó phải kể đến các xã Song Phượng, Đan Phượng (Đan Phượng).
Cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các địa phương, những người làm công tác văn hóa thông tin trong tỉnh đã chọn và chính thức tiến hành khôi phục điệu hát trống quân tại các làng, xã gồm: Hát Môn (Phúc Thọ), Khánh Hà (Thường Tín), Hoàng Diệu (Chương Mỹ), Đan Phượng (Đan Phượng). Những nơi xưa kia hát trống quân vốn là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của cộng đồng. Sau khi nhận được chủ trương của ngành VH-TT (nay là VH-TT-DL), những người làm công tác văn hóa ở Đan Phượng đã bắt tay vào việc sưu tầm lời hát, vận động người có điều kiện, khả năng tham gia tập luyện. Khó khăn đầu tiên mà họ gặp phải chính là làm sao để xác định được chính xác thời điểm bộ môn nghệ thuật này xuất hiện ở địa phương cũng như khoanh vùng chính xác những nơi đã từng tồn tại hình thức sinh hoạt văn hóa này. Lớp những người ngày xưa tham gia hát trống quân nay đã già, không mấy người còn minh mẫn, nhớ lời, nhớ giai điệu... nên việc truyền dạy cũng không dễ dàng gì. Nếu như ở những địa phương khác như: Thường Tín, Phúc Thọ, Chương Mỹ... đều có được trên dưới 10 cụ nghệ nhân có khả năng truyền dạy trống quân cho lớp trẻ thì ở Đan Phượng, hiện nay chỉ còn cụ Phùng Văn Kỳ và cụ Nguyễn Đức Toàn. Vì vậy, việc thu thập sưu tầm lời hát cũng như thành lập đội hát mới kế tục nghề cổ đối với Đan Phượng là công việc khó khăn và rất mất thời gian. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình của lớp người già, sự nhiệt tình của thế hệ trẻ trước việc khôi phục điệu hát trống quân ở Đan Phượng, vốn tưởng đã bị lãng quên, đang dần khôi phục. Đó là sự ra mắt của CLB hát trống quân do người cao tuổi thôn Đại Phùng gây dựng.
Tại những nơi này, các cụ nghệ nhân nổi tiếng một thời có thể nhớ tường tận về không khí hội hè với rất nhiều giai điệu, lời ca của một canh hát mẫu, hát chuẩn. Mặc dù tuổi đã cao, song khi được mời tham gia phục hồi tục hát xưa, các cụ vẫn sẵn lòng góp mặt, nhiệt thành dạy cho người khác cách hát. Tâm sự với chúng tôi, cụ Nguyễn Đức Toàn nói: "Chúng tôi đi hát cho vui tuổi già. Việc làm có ý nghĩa mà con cháu chúng tôi cũng rất phấn khởi". Cho đến nay, CLB hát trống quân ở Đan Phượng đã có khoảng 10 thành viên. Không chỉ tập luyện và hát cho nhau nghe, các cụ cao tuổi trong CLB còn đi biểu diễn phục vụ các công việc của làng, của xã. Ở đâu các cụ cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Qua một thời gian dài bắt tay vào việc sưu tầm, phục dựng loại hình hát xướng dân gian trống quân ở Đan Phượng, những người làm công tác văn hóa ở đây đã phát hiện được nhiều điểm khác biệt khá thú vị trong loại hình nghệ thuật này đối với mỗi địa phương, những đặc điểm có lẽ đã làm nên những đặc trưng rất riêng của từng vùng trong tỉnh. Những nghệ nhân hát trống quân của Đan Phượng đã dùng thúng và sợi cơm lênh (thứ dây để đan rế) làm trống. Để tăng độ vang cho trống, có nơi người ta còn đổ vào thúng một ít vỏ ốc hoặc treo trong phần tang trống. Ở Đan Phượng các cuộc hát trống quân được tổ chức ngay ở các điếm làng, nơi gặp gỡ, hội tụ, trò chuyện của những người lao động. Khi ấy, tiếng phách gõ mạn thuyền được thay thế bằng tiếng trống. Khác biệt trong cách hát, cách tạo nhạc cụ, giai điệu, song hát trống quân ở đâu đâu trong tỉnh ta cũng có một điểm chung rất đáng trân trọng đó là sự dân dã, hồn nhiên của những người nông dân tham gia hát xướng, tạo nên nét đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật này.
Hát trống quân là một sinh hoạt văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã. Đây chính là sức mạnh giúp người dân tồn tại và phát triển trước vô vàn thiên tai địch họa trên vùng châu thổ qua bao đời. Ở đây bộc lộ thắm thiết tình yêu quê hương, tình yêu con người, bằng khả năng sáng tạo thi ca tài nghệ góp phần di dưỡng nên tâm hồn, văn hóa Việt. Được sinh ra và phát triển trong một hệ thống diễn xướng dân gian dày đặc trên địa bàn như: Ca trù, hát dô, chèo tầu, hát ví, hát ống, hát ru, hát chèo... với môi trường ca nhạc cộng đồng đa dạng, sôi động như vậy, hát trống quân ở Hà Tây nói chung và Đan Phượng nói riêng được tiếp nhận thêm nhiều nguồn lực, cảm hứng để cất cánh bay xa, bay cao hơn. Để rồi mỗi năm mở hội sau này, ở các làng ven sông lại rộ lên câu hát của kép khai thanh vào cuộc hát, rằng: "Tôi mừng người lập trống quân, để cho nam nữ vui xuân chốn này..." khiến lòng người càng thêm rộn ràng, náo nức.