Hoạt động của ngành

Đánh thức tiềm năng du lịch Cao Bằng

Cập nhật: 01/10/2009 17:10:50
Số lần đọc: 1800
Cao Bằng là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, có 332km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Cao Bằng là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Không chỉ có vậy, Cao Bằng còn là nơi sơn thủy hữu tình, lòng người hồn hậu, chất phác.

Về cảnh quan, thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng những thế núi, dáng sông hùng vĩ. Nhiều địa danh đã là danh thắng quốc gia như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen… Nhưng, cảnh quan Cao Bằng thêm đẹp, thêm có hồn bởi mỗi tấc đất nơi đây còn lưu giữ bao chiến công, bao kỷ niệm trong những ngày cách mạng mới đi những bước đầu. Nếu như Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) là cội nguồn của dân tộc thì khu di tích lịch sử Pác Bó là cội nguồn của cách mạng, nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Lịch sử chọn nơi này làm đất chôn rau”. Rồi khu rừng Trần Hưng Đạo- nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-một đội quân lúc đầu chỉ có 34 chiến sĩ nhưng đã lớn nhanh, hùng mạnh nhất trong lịch sử, một đội quân bách chiến bách thắng. Cao Bằng còn có núi Báo Đông, nơi Bác Hồ đi thị sát chiến dịch Biên Giới 1950, còn một bức ảnh lịch sử và ngày nay tại khu vực đó đã xây dựng tượng đài. Cần nói thêm về thế mạnh của Cao Bằng, đó là đồng bào các dân tộc còn giữ gìn được nhiều phong tục, tập quán đặc sắc, lòng người trong trẻo hồn nhiên, mến khách. Đó là thế mạnh rất đặc biệt của Cao Bằng.

Chính vì những đặc điểm đó, trong những năm qua, lãnh đạo các cấp tỉnh Cao Bằng đã quan tâm đến phát triển kinh tế du lịch. “Chương trình phát triển các khu du lịch trọng điểm tỉnh Cao Bằng 2006-2010”, của tỉnh ủy đang được hiện thực hóa ở Pác Bó, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Những địa danh này đã bước đầu mang dáng dấp của một khu du lịch quốc gia, tiến tới có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương và làm cầu nối du lịch Việt Nam-Trung Quốc.

Tuy nhiên, do nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, về khả năng tổ chức du lịch của các địa phương và nhân dân nên tiềm năng du lịch lớn của Cao Bằng dường như chưa được đánh thức. Số người đến tham quan du lịch còn khiêm tốn, hiệu quả kinh tế du lịch chưa được như mong muốn.

Trước thực trạng đó, Cao Bằng đã có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Cao Bằng cũng đã có cơ chế, chính sách huy động và quản lý các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nhiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các dự án phát triển du lịch. Chúng tôi cũng tăng cường thông tin về du lịch cho du khách qua nhiều hình thức như: Biển chỉ dẫn, quảng cáo tấm lớn, hội nghị xúc tiến du lịch, đặc biệt là nâng cao nhận thức của nhân dân về việc bảo tồn di sản, làm trong sạch môi trường xã hội… làm cơ sở phát triển du lịch.

Cao Bằng phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ đón 1.200.000 lượt khách du lịch, và đến khoảng năm 2020 kinh tế du lịch chiếm tỉ trọng hơn 12% GDP của tỉnh.

Di tích lịch sử văn hóa hàng đầu của Cao Bằng là Pác Bó. Nâng cấp mọi mặt khu du lịch này là nguyện vọng của nhân dân cả nước. Nơi khởi nguồn của cách mạng này cũng là ki-lô-mét số 0 của đường Hồ Chí Minh nối liền Pác Bó với Cà Mau. Từ Pác Bó đến thị xã Cao Bằng sau khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành chỉ còn khoảng 40km. Nếu có cơ sở hạ tầng tốt thì đây sẽ là một trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế. Một điểm trọng tâm khác trong bản đồ du lịch của Cao Bằng là khu di tích lịch sử Lam Sơn, cách thị xã Cao Bằng 20km. Đây là một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, nơi đã là kinh đô của nhà Mạc, tồn tại gần 100 năm. Từ Lam Sơn, theo đường ô tô có thể đi thẳng tới khu rừng Trần Hưng Đạo-nơi ẩn chứa bao thú vị về một đội quân huyền thoại.

Rồi, cụm di tích Đông Khê, là nơi tiếp giáp cả Lạng Sơn và Bắc Kạn, nên rất có thể xây dựng nơi đây thành một khu du lịch liên tỉnh mang nhiều đặc sắc văn hóa Việt Bắc.

Tỉnh cũng đang chú trọng khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén với độ cao và khí hậu lý tưởng (nhiệt độ trung bình 22 đến 25 độ C). Nơi đây đã được khai thác từ thời Pháp thuộc và hiện nay đang có dự án phát triển…

Như vậy, sau một vài năm nữa, bản đồ du lịch của Cao Bằng khá phong phú với nhiều loại hình du lịch bổ ích như du lịch gắn với văn hóa truyền thống, những chuyến du khảo về nguồn. Mục tiêu của tỉnh đặt ra 1.200.000 lượt khách vào năm 2010 là hoàn toàn có cơ sở.

Cao Bằng là mảnh đất thiêng, đã được Bác và Đảng chọn làm nơi khởi nguồn của cách mạng và Cao Bằng đã không tiếc mồ hôi công sức và cả máu xương của mình, tất cả đều hồn hậu dành cho cách mạng. Bây giờ cách mạng thành công, Cao Bằng đi lên cùng cả nước, nhưng những gì là vốn quý của Cao Bằng thì không thể để mất. Du khách đến với Cao Bằng không phải vì hệ thống khách sạn sang trọng và những sơn hào hải vị, mà trước hết du khách đến Cao Bằng để lần lại dấu chân các thế hệ cha anh đã nếm mật nằm gai, tất cả hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tinh thần ấy đang phát huy trong mỗi người dân Cao Bằng, nhất là những người dân làm du lịch.

Nguồn: QĐND Online

Cùng chuyên mục