Nét đẹp của những lễ hội ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Mở đầu cho các lễ hội lớn trong năm ở Bà Rịa – Vũng Tàu là lễ hội Dinh Cô ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (tổ chức từ ngày 10 đến 12/2 âm lịch). Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12/2. Từ sáng sớm, đoàn người chỉnh tề cờ quạt lên thuyền ra khơi làm lễ Nghinh Cô. Ông Thái Văn Cảnh, trưởng ban quản lý di tích Dinh Cô cho biết, vào dịp lễ hội Dinh Cô hàng năm, người dân Long Hải và các vùng lân cận đều tự nguyện về phục vụ lễ. Ngoài các vị chánh bái, phó bái thì đội ngũ học trò lễ cũng là những người con của ngư dân làng chài Long Hải. Khi rảnh rỗi, những người này được các vị kỳ lão ở Dinh Cô chỉ dạy cách dâng trà, dâng rượu; học cách hành lễ; xướng lễ và cả cách bận áo dài, đội mão, đi hia sao cho đúng, cho chuẩn với nghi thức cúng tế xưa”. Và đã thành truyền thống, hết lớp người này rồi đến những lớp người khác, dù đi đâu, làm gì nhưng đến lễ hội Dinh Cô là họ lại tìm cách trở về dự lễ.
Lễ hội Nghinh Ông cũng được tổ chức rầm rộ trong 3 ngày (từ ngày 16 đến 18/8 âm lịch) tại Đình thần Thắng Tam (TP. Vũng Tàu). Trước ngày diễn ra lễ hội Nghinh Ông, các thuyền đánh cá dù đang ở xa hay gần, dù thất bại hay trúng mùa tôm cá đều tề tựu về bến. Những nhân vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội chính là chánh bái, phó bái, các vị hương chức và đoàn học trò lễ. Hầu hết đội ngũ học trò lễ là những người còn trẻ. Ông Lê Quang Dựng, thành viên ban quản lý Đình thần Thắng Tam nói: “Hàng năm đến dịp lễ hội Nghinh Ông là những người trong ban quản lý, ban tế tự của Đình thần Thắng Tam và đội ngũ học trò lễ đều tề tựu về đình như một cách để quay về nguồn cội, cùng làm sống lại nét đẹp văn hoá của người dân làng chài ở Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Khác với lễ hội của ngư dân miền biển, lễ hội vía Ông (ngày 20/2 âm lịch) ở Nhà Lớn – Long Sơn (TP. Vũng Tàu) lại có nét đẹp riêng. Đến ngày giỗ Ông, từng đoàn người vận áo dài đen, khăn đóng mang theo xôi chè, bánh trái đến cung kỉnh Ông Trần (ông Lê Văn Mưu, người khai hoang lập đất ở Long Sơn cách đây hơn trăm năm). Không khí của Nhà Lớn 2 ngày tiếp đó luôn ấm cúng và trang nghiêm. Mỗi người một việc nhưng tất cả đều góp phần làm cho việc tiếp đãi khách thập phương thêm chu đáo. Bà Lê Thị Kiềm, thành viên ban điều hành Nhà Lớn – Long Sơn cho biết, tín ngưỡng của Ông không có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc ăn chay, không có chuông mõ. Người dân theo Ông đều mặc quần áo bà ba đen hoặc áo dài đen, đi chân đất, đầu để tóc dài búi gọn sau gáy. Tất cả những công việc trong Nhà Lớn cũng như trong dòng tộc đều do những ông lớn (8 vị kỳ lão) họp bàn giải quyết”. Ngày vía Ông, nhân dân tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang, cung kỉnh trong Nhà Lớn gọi là “vô phiên” hoặc “phiên ngũ thường”. Những phong tục tập quán đó có hàng trăm năm về trước nhưng đến nay vẫn được bá tánh, những người theo đạo ông Trần gìn giữ và phát huy.
Phong tục trở về nguồn cội ấy cũng dễ dàng bắt gặp ở bất cứ lễ hội nào ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Bùi Văn Tôn, phó bái Đình thần Long Hương (TX. Bà Rịa) cho biết: “Hàng năm đình thần Long Hương tổ chức 4 lễ hội, trong đó quan trọng nhất là lễ cầu an diễn ra từ ngày 15 đến 17-11 âm lịch. Khi làm lễ cúng, tất cả mọi người trong ban hành lễ, hương chức, tế tự đều mặc áo dài, khăn đóng: chánh bái mặc áo màu đỏ, phó bái mặc áo màu vàng và những người còn lại thì mặc áo dài khăn đóng màu xanh. Mặc dù đã hàng trăm năm trôi qua nhưng người dân Long Hương dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về tề tựu tại đình để tổ chức và tham dự lễ hội cầu an hàng năm”.