Hành trang lữ khách

Nông dân miệt vườn Vĩnh Long làm du lịch

Cập nhật: 23/11/2009 14:12:51
Số lần đọc: 4999
Những năm gần đây, một số nông dân vẫn giữ việc chăm sóc vườn cây ăn trái bình thường, kết hợp với làm dịch vụ du lịch để tăng thêm nguồn thu đáng kể, tạo thêm nhiều ngày công lao động cho gia đình. Đặc biệt, những điểm vườn này rất thích hợp với nhu cầu của khách nội địa. Hướng làm này, đã đạt được những thành công nhất định.

Hấp dẫn trái cây “bán bụng”

Châu Âu có dạng tiệc đứng rất hấp dẫn là buffet. Và các nhà hàng ở nhiều nơi đã nhanh chóng ứng dụng buffet trong phục vụ. Khách mua vé đồng giá rồi tự chọn món và ăn... no thôi. Ở Nhật, người ta gọi là tiệc đứng như vậy là Tada. Còn ở miệt vườn Nam Bộ, nông dân 4 xã cù lao cũng “ứng dụng” vào vườn cây trái của mình và gọi theo kiểu miệt vườn là “bán bụng”. Chú Hai Ngọc, chủ vườn mận Ngọc Lý (ấp An Thuận, xã An Bình) không phải là người đầu tiên đưa chuyện “bán bụng” vào vườn mận. Nhưng, chú là người đầu tiên thành công với dịch vụ này và đã “nâng cấp” vườn mận của mình thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và nổi tiếng.

Chú Hai Ngọc cho biết: Tình cờ, năm 2004 gia đình mua được giống mận chuông (An Phước) về trồng trên cả chục công. Nhờ nhiều người đồn giống mận ngon, nên có người muốn tìm đến tận nơi, mua tại chỗ. Rồi khách đến ngày một đông, bà xã mới cắt... thùng thiếc, viết nguệch ngoạc mấy chữ: “Cho khách vào vườn”, móc toòng teng lên nhánh cây ngoài đường. Mà lạ! Khách ùn ùn kéo tới. Sau này, thấy khách có nhu cầu, gia đình chú mở rộng thêm, cất lều, mắc võng dưới các tán cây cho khách nghỉ ngơi. “Điểm tham quan vườn mận Ngọc Lý” đã ra đời như vậy đó.

Khách đến mua vé... bụng vào vườn không chỉ tự hái trái, thưởng thức những trái mận chín đỏ mọng, ngọt thanh cổ ăn đến căng bụng mà còn được nằm võng hít thở không khí trong lành của khu vườn yên tĩnh. Khách có nhu cầu ăn uống cũng được phục vụ tận tình với những món ăn dân dã như canh chua lục bình hay rau tai tượng, cá chiên xù, gà nấu cháo,... Gà, cá, rau đều là sản phẩm tự cung, đảm bảo sạch trong vườn nhà. Vào dịp lễ, tết hay những ngày cuối tuần, khách rất đông, có khi lên 400– 500 người, không đủ chỗ ngồi. Chú Hai Ngọc khoe: Khách đến đây, có người ở tận ngoài miền Bắc. Họ thích không khí thoáng mát của miệt vườn, được tự do hái trái và cách phục vụ rất “nông dân” của người  địa phương nên rất mê. Giá cả ở đây cũng rất bình dân, khách vào tự hái ăn chỉ 20.000đ/người trong suốt một ngày. Nhưng với diện tích hiện nay là 1,2ha toàn mận An Phước, thì “bán bụng” giỏi lắm cũng chỉ 1/3 sản lượng mà thôi. Mỗi mùa chú Hai bán ra thị trường hơn 20 tấn, với giá từ 15.000đ/kg trở lên.

Nhiều điểm vườn mới ra đời

Từ thành công của vườn mận Ngọc Lý, nhiều bà con gần đó cũng làm theo. Trái cây tới vụ vừa dành cho khách tham quan, vừa bán cho thị trường, rất tiện lợi và tăng thêm thu nhập. Ở điểm tham quan của anh Tám Lộc, Chí Sang (An Thuận, xã An Bình) ngoài cho khách vào vườn hái trái, các chủ vườn còn linh hoạt mở rộng thêm loại hình tát ao bắt cá vốn được khách rất thích. Điểm vườn Chí Sang còn là vệ tinh cho trang trại Vinh Sang phần dịch vụ này. Tuần vừa rồi, điểm vườn này tổ chức cho 700 khách tát ao bắt cá, với giá mềm 3.000đ/người, thu được hơn 2 triệu bạc ngon ơ.

Điểm tham quan của anh Đỗ Minh Hiền (ấp An Thạnh, xã An Bình) nhờ địa điểm thuận lợi đường sông lẫn đường bộ, nên lúc nào cũng có khách. Vườn của anh Hiền trồng chủ yếu chôm chôm và nhãn tiêu da bò. Vài năm trở lại đây, anh Hiền áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây trái quanh năm để phục vụ cho khách tham quan. Anh Hiền vui vẻ: Mình bán “trái cây bụng” giá từ 15.000– 20.000đ/khách tùy thời điểm. Khách có thể nghỉ ngơi, ăn trái cây thỏa thích suốt một ngày. Khi khách ra về, muốn mua về làm quà cho bạn bè, gia đình thì bán theo giá thị trường. Còn điểm tham quan vườn của anh Nguyễn Văn Lương (ấp An Thới, xã An Bình) thì thu hút rất đông khách khi vào vụ chôm chôm chính. Anh Lương cho biết, phần lớn khách đến rồi giới thiệu truyền tai nhau, nên “tới mùa chôm chôm chín” là họ liên hệ rồi rủ nhau đến. Do chỉ có 2 công rưỡi công chôm chôm nên bán bụng trong vài tuần là hết sạch, không có dư bán chợ.

Anh Nguyễn Hải Nam ở Kiên Giang đi cùng với gia đình, tỏ ra thích thú khi được tự tay hái chôm chôm chín đỏ. Anh Nam nói: “Đến Vĩnh Long mà không tới tham quan vườn cây ăn trái ở xứ cù lao và tự tay hái trái là một đều thiếu sót. Mỗi năm vào dịp ngày nghỉ là gia đình tôi cùng với bạn bè tổ chức một chuyến sang miệt vườn nghỉ ngơi, thư giãn...”.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Từ cách làm thành công của vườn mận Ngọc Lý, đã có nhiều điểm vườn mới mọc lên, góp phần tạo thêm một đầu ra cho cây trái vào mùa chín rộ. Hơn thế, dịch vụ này còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho gia đình và những người xung quanh. Chú Hai Ngọc cho biết, “vào những dịp lễ tết, cả nhà phục vụ không xuể, phải nhờ thêm một số bà con gần đó phụ một tay”.

Sự phát triển của những điểm tham quan kiểu này rất đáng để các nhà quản lý du lịch quan tâm, nghiên cứu. Đây là tiềm năng lớn để Vĩnh Long có thể phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng được hiểu như là một loại hình du lịch mà trong đó, mọi hoạt động của nó gắn liền với cộng đồng dân cư. Mục đích là tạo điều kiện cho mọi thành viên trong cộng đồng, trong cụm dân cư... được tham gia hoạt động du lịch, phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Khách du lịch cộng đồng được sống với thiên nhiên, cảm nhận sự trong lành của cảnh quan thiên nhiên, nhận thức sâu sắc về những giá trị nhân văn của văn hóa truyền thống vùng, miền... Phát triển du lịch cộng đồng là sự phát triển bền vững nếu đừng bao giờ phá vỡ những giá trị nguyên sơ đó và khi đó nó cũng chính là thế mạnh của du lịch vùng miệt vườn sông nước.

 

 

Nguồn: Website Vĩnh Long

Cùng chuyên mục