Báo cáo “Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”
Trong bản báo cáo, nhóm xây dựng Đề án đã nêu bật tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, được coi là một trong những vùng giàu tiềm năng du lịch của Việt Nam với nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên gắn với vùng sông nước, miệt vườn, ẩm thực phong phú… Thời gian vừa qua, du lịch vùng ĐBSCL đã thu được một số kết quả khích lệ (năm 2008 đã đón được trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế và trên 8 triệu lượt khách nội địa), tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch vùng. Các sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu; sự cạnh tranh trong vùng còn cản trở đến chính sự phát triển du lịch nơi đây. Chính vì vậy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng ĐBSCL, phát triển du lịch một cách toàn diện và bền vững, cần phải xây dựng được đề án phát triển cho toàn vùng với tầm nhìn đến năm 2020.
Ý kiến của các đại biểu đã tập trung nhiều vào sự cần thiết phải nêu bật những đặc điểm riêng có của du lịch ĐBSCL, chú trọng vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, chú trọng bảo vệ môi trường du lịch và đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực cho việc phát triển du lịch của vùng…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Du lịch thay mặt nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến và sẽ tiếp tục cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện Đề án trong thời gian tới để báo cáo Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo Bộ.