Tin tức - Sự kiện

Triển lãm ''Thành cổ Biên Hòa, thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa''

Cập nhật: 24/11/2009 08:16:16
Số lần đọc: 1589
Triển lãm "Thành cổ Biên Hòa, Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa" chính thức khai mạc vào sáng ngày 23/11/2009 ngay tại di tích Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ngạc nhiên, bồi hồi và xúc động, pha lẫn tự hào... là cảm xúc của nhiều người về một thành phố vừa quen vừa lạ...  

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam, triển lãm "Thành cổ Biên Hòa, Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa" với điểm nhấn là 18 bức ảnh về thành cổ Biên Hòa và 15 ảnh, 74 hiện vật về Biên Hòa xưa. Đây là một triển lãm khá thú vị đối với người xem khi bắt gặp ít nhiều bóng dáng của một Biên Hòa xưa được lưu giữ qua những bức ảnh, hiện vật mà dấu vết thời gian xóa mờ theo năm tháng. Không hẹn mà gặp, nhiều thế hệ già có, trẻ có đã có mặt ở triển lãm để rồi như phải thốt lên: "Có một Biên Hòa xưa xưa lắm!".

 

Ngôi thành cổ có niên đại khoảng thế kỷ XIV-XV với tên gọi Thành Cựu. Đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX), thành được xây dựng, mở rộng và đổi tên là Thành Biên Hòa. Thời thuộc Pháp, thành bị thu hẹp và mang tên Thành Xăng-đá (phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính", mà dân địa phương quen gọi là Thành Kèn). Đây là thành trì duy nhất của triều Nguyễn còn sót lại trên xứ Nam bộ, đồng thời là công trình kiến trúc quân sự đặc sắc có niên đại sớm ở Đồng Nai và các vùng phụ cận.

Những bức ảnh "Xe bò kéo Biên Hòa", "Sinh hoạt của người dân tộc thiểu số ở Biên Hòa" khiến nhiều bạn trẻ xem triển lãm ngạc nhiên về những sinh hoạt phố chợ của Biên Hòa những năm đầu thế kỷ XX.

Một triển lãm không ồn ào nhưng đủ sức thu hút người dân nhiều thế hệ tìm đến, xem và xuýt xoa ngay từ khi mở cửa như một sự ghi nhận những cố gắng rất lớn của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng (triển lãm kéo dài đến ngày 3/12/2009). Trong suốt một thời gian dài, từ ý tưởng cho đến khi thực hiện, hàng trăm ngày công của cán bộ, nhân viên, thanh niên Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai đã bỏ ra, từ sưu tầm tư liệu, nội dung triển lãm cho đến việc chạy kinh phí do triển lãm không sử dụng ngân sách nhà nước. Ngay cả việc dọn dẹp khu vực thành cổ vốn hoang phế từ lâu cũng đã là một kỳ tích.

 

"Mọi cố gắng cũng chỉ với mong muốn Thành cổ mở cửa cho tất cả công chúng và du khách đến tham quan, để Thành Biên Hòa được sống lại với quá khứ vẻ vang một thời. Từ triển lãm này, hy vọng về một không gian sinh hoạt văn hóa ngay tại thành cổ sẽ được duy trì và được người dân chấp nhận" - Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai Lê Trí Dũng bộc bạch.

 

Nguồn: Website Đồng Nai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT