Hấp dẫn món cờ đang Đông Giang ( Quảng Nam)
Cờ đang có thân bằng ngón tay út người lớn, màu trắng ngà, hoặc trắng xanh, hoặc vàng. Đầu màu cánh kiến, có hai cái răng màu đen nằm ngang. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, hoặc ven các sườn đồi, nơi có đất ẩm thấp.
Ông Trần Văn Cước, 52 tuổi, là “chuyên gia” đào cờ đang ở thôn Tà Lâu cho biết: “Người Cơtu nơi đây nhìn cây, cỏ trên mặt đất bị héo úa hoặc chết là biết có cờ đang đã và đang ăn, cắn đứt rễ của cây cỏ. Nơi nào có heo rừng ủi cũng có cờ đang, bởi heo rừng rất khoái ăn loại con này”.
Người đào được cờ đang thì nhanh chóng dùng tay phải nắm đầu, tay trái dùng móng tay xé khúc cuối da đuôi ra và dùng tay phải rảy mạnh, phần ruột đen sẽ văng ra ngoài, phần còn lại trong lớp vỏ mềm là chất dịch như sữa đặc, tương tự chất dịch trong con nhộng. Kết thúc buổi đào, họ mang giỏ cờ đang xuống suối rửa rạch.
Hằng năm khi đến vụ đông xuân, bà con Cơtu cày đất nà (bãi, biền ven suối) tỉa đậu, có người mang giỏ lẽo đẽo đi theo sau đường cày để nhặt cờ đang về nấu ăn. Ông Cước cho biết thêm: “Sùng đất sẽ cắn, ăn rễ hoa màu như đậu, bắp… nên bắt chúng, vừa bảo vệ hoa màu sau này, vừa có tí mồi đặc biệt để bồi dưỡng và nhâm nhi vào buổi chiều”.
Rang cờ đang không cần dầu ăn, người ta bắc soong lên bếp cho nóng, cho cờ đang đã rửa sạch để ráo vào khuấy đều, mỡ từ thân nó tươm ra, đủ để “rang” chín...
Cờ đang um với đọt cây thiên niên kiện là món ăn truyền thống, hấp dẫn của đồng bào Cơtu nơi đây. Song, cờ đang chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn trong năm và sau mùa mưa lụt, nên rất hiếm và ít người có dịp thưởng thức.
Một số người Kinh giờ cũng đã biết thưởng thức món cờ đang và không quên trồng trong vườn nhà vài bụi thiên niên kiện vừa để làm cảnh, vừa để um, xào cờ đang.