Non nước Việt Nam

Tam Đường - tiềm năng du lịch

Cập nhật: 09/04/2008 15:04:42
Số lần đọc: 3082
Tam Đường mảnh đất huyền thoại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giàu tiềm năng du lịch sinh thái và tiềm năng phát triển kinh tế. Thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo cho Tam Đường nhiều cảnh quan du lịch hấp dẫn như Động Tiên Sơn, thác Tác Tình, rừng sinh thái… là điểm đến thân thiện và an toàn cho du khách trong và ngoài nước.

Tam Đường, mảnh đất anh hùng – huyền thoại, đất đai mầu mỡ, khí hậu trong lành, tình người sâu nặng; có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, tiếp giáp với khu du lịch nổi tiếng Sa Pa; có quốc lộ 32 và 4D đi qua, nằm trên tua du lịch Sa Pa – Lai

 Châu – Điện Biên, Kim Bình – Lai Châu – Sa Pa. Đặc biệt nơi đây thiên nhiên ưu đãi kiến tạo cho Tam Đường có tiềm năm du lịch phong phú, hấp dẫn; nhiều cảnh quan thiên nhiên trở thành di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Động Tiên Sơn, Thác Tắc Tình, suối nước nóng Nà Đon… Tam Đường có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, còn lưu giữ nhiều truyện cổ, lời ca, điệu múa, món ăn… là cơ sở phát triển du lịch, văn hóa dân tộc bản làng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm.

Nói đến du lịch Tam Đường là nói đến Động Tiên Sơn – là nơi đã trở lên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hóa ban tặng. Động là nơi hội tụ những giá trị thẩm mỹ, cảnh quan, địa chất, văn hóa, lịch sử. Đây là một trong những tài nguyên du lịch quý giá không những của huyện, tỉnh và cả quốc gia. Động được kiến tạo carxtơ, đá vôi hàng triệu năm, được nhân dân xung quanh động thường vào trong động bắt tôm, cá làm thực phẩm hàng ngày. Tương truyền, lúc đầu đồng bào dân tộc quanh động gọi là Pờ Ngài Tủng (theo tiếng Quan Hỏa có nghĩa là Hang Đá Trắng) vì ngoài cửa động có vách đá màu trắng. Tên Động Tiên Sơn xuất hiện vào khoảng năm 1990, do một số người Kinh vào động chiêm ngưỡng với cảm xúc tự đặt tên và được lưu truyền đến nay.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, các cuộc chiến đấu trong chiến tranh và tác động của con người, nhưng đến nay động vẫn đẹp và có sức hút kỳ là với du khách thập phương. Động không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ và có ý nghĩa văn hóa – du lịch, mà còn ghi dấu tích của cán bộ hoạt động cách mạng. Đây cũng là nơi cất dấu hàng ngàn tấn lương thực, súng đạn cung cấp cho các cuộc chiến đấu chống Pháp, tiễu phỉ, là nơi chữa trị và cứu sống nhiều đồng chí thương binh.

Động Tiên Sơn là cảnh quan do đất trời tạo hóa trong lòng núi, nằm trong truyền thuyết 99 ngọn núi biểu tượng cho 99 chàng trai khỏe mạnh, cường tráng và 99 hồ nước trong xanh tượng trưng cho 99 cô gái cần cù, xinh đẹp nối tiếp nhau như bức tường thành ôm giữ một vùng đất rộng, phì nhiêu mà người đến đây bổ nhát cuốc đầu tiên khai cơ lập nghiệp là dân tộc Lự (tên Mường Lự ra đời từ đó, nằm trong 7 Mường của Lai Châu hiện nay, Mường Lự xưa chính là Bình Lư có Động Tiên Sơn bây giờ). Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động chưa được khai thác, đến năm 1990, được sự quan tâm của tỉnh, Động được đầu tư tôn tạo, từ đó đã thu hút nhiều du khách đến tham quan; vào các ngày rằm, lễ, tết người dân thường đến cầu may, cầu phúc đầu xuân. Đặc biệt, với vẻ đẹp và ý nghĩa của Động Tiên Sơn, ngày 28/6/1996 Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận Đông Tiên Sơn là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Từ một hang động hoang sơ chưa được cải tạo, khai thác, cây cối um tùm, nay đến với Động Tiên Sơn du khách sẽ được hài lòng hơn khi Động được tỉnh Lai Châu quyết định đầu tư gần chục tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp những hạng mục trên diện tích 2,2 ha, thời gian tới sẽ mở rộng 16 ha.

Vào trong Động, du khách sẽ được thả hồn tưởng tượng và cảm nhận thư thái, thanh thản, ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng 36 cung, mỗi cung có một ý nghĩa khác nhau, được nhân dân đặt tên và cảm nhận rất linh thiêng như Cung Công danh, Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho, Giải oan, Xin con và nhiều cung kỳ bí khác. Các khối đá muôn hình, vạn dạng như thu nhỏ các hoạt động trong sinh hoạt đời thường của các dân tộc như hình người nông dân đang cày, người thiếu phụ ôm con, người giã gạo…

Nhân dân các dân tộc Tam Đường, giàu lòng mến khách, nhiều điểm du lịch hấp dẫn, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng sẽ là điểm đến thân thiện và an toàn. Tin tưởng rằng một ngày không xa du lịch Động Tiên Sơn và các điểm du lịch khác của Tam Đường là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đến Lai Châu – Tam Đường.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT