Hòa Bình: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống
như các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán trong đời sống, sinh hoạt với 36 lễ hội truyền thống luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá ở tỉnh ta từng bước được quan tâm.
UBND tỉnh đã ban hành Quy chế bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng; quy chế phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Nội dung Quy chế được tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở và được nhân dân hưởng ứng đã góp phần tích cưc vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá. Từng bước phát huy các giá trị di tích, thắng cảnh kết hợp khai thác giá trị văn hoá - du lịch - tín ngưỡng như di tích chùa Tiên (Lạc Thủy), chùa Hang (Yên Thủy). Bằng nguồn vồn Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, có 22 di tích được đầu tư, trùng tu tôn tạo. Công tác bảo tồn, bảo tàng được coi trọng với nhiều hình thức: tổ chức trưng bày hiện vật theo các chủ đề lịch sử; sưu tầm các di vật, cổ vật; đầu tư bảo quản, chế bản một số hiện vật bảo tàng có giá trị như di cốt đười ươi, xã ướp ba ba có tuổi thọ hàng trăm năm…
Lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, mỗi năm có từ 1- 2 đề tài nghiên cứu được triển khai. Ngoài những đề tài tiêu biểu đã nghiên cứu như đám tang và lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường, lễ hội Chá Chiêng của dân tộc Thái. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu các đề tài: sưu tầm lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Hoà Bình; lễ cưới cổ truyền của người Mường, người Thái (Mai Châu); sưu tầm nghề thủ công rèn đúc của người Mông xã Pà Cò (Mai Châu); kiểm kê phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc trong tỉnh. Phối hợp với các viện nghiên cứu thực hiện đề tài: Sự biến đổi của ngôn ngữ dân tộc Mường. Hiện đang tiến hành thực hiện đề tài sưu tầm, nghiên cứu nghề dệt, nhuộm thủ công truyền thống của người Mường ở Hoà Bình.
Đặc biệt, các hình thức truyền dạy văn nghệ dân gian mang tính tự phát được phát triển ở các địa phương như Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, thành phố Hoà Bình thu hút nhiều em thiếu nhi tham gia. Thông qua các đề án hỗ trợ của Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các lớp truyền dạy như lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống của nghệ nhân Bùi Thu Hình, Bùi Văn Phước ở Cụm văn hoá Mường Vang (Lạc Sơn), lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng, chiêng của nghệ nhân Đinh Kiều Dung (Kim Bôi)… Ngoài ra, các huyện, thành phố thường xuyên mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể cho cán bộ văn hoá cơ sở như lớp học chữ Thái (Mai Châu), lớp dạy văn nghệ dân gian (Tân Lạc)…
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của các dân tộc ít người đã được gắn với thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi. Đời sống của đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn ngày càng được cải thiện. Đồng bào các dân tộc đã cơ bản định canh, định cư ổn định cuộc sống, tạo điều kiện đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá, nét đẹp truyền thống của các dân tộc thiểu số.