Hoạt động của ngành

Bắc Giang: Phát huy giá trị Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang

Cập nhật: 03/12/2009 14:39:04
Số lần đọc: 2387
Thành Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Theo tài liệu cho biết thành được xây dựng ở thế kỷ XV (1407) bằng đất có hình chữ nhật, chiều dài đo được là 600m, chiều rộng 450m, tổng diện tích 27 ha.

Tại đây năm 1426, trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi cùng với Nguyễn Trãi đã chủ trương tiêu diệt thành Xương Giang do giặc Minh đóng giữ trước khi viện binh tới. Lê Lợi đã điều tướng Trần Nguyên Hãn tăng cường tiếp quân lên Xương Giang. Lúc này cuộc bao vây công phá thành Xương Giang diễn ra rất quyết liệt suốt ngày đêm.

Đến ngày 28/9/1427, sau hơn 9 tháng vây hãm tiến công, quân ta đã xuyên thủng phòng tuyến của giặc ồ ạt tấn công lên thành Xương Giang. Thành Xương Giang bị hạ trước khi viện binh của giặc Minh kéo vào nước ta 10 ngày. Khi Thôi Tụ, Hoàng Phúc kéo viện binh tới gần Xương Giang mới biết thành đã bị nghĩa quân chiếm đóng. Hết đường ứng cứu, cuối cùng chúng phải "Đắp luỹ ngoài đồng để tự vệ". Đúng ngày 3/11/1427, từ 4 mặt hàng vạn quân ta được lệnh tổng công kích vào khu vực đóng quân của địch. Quân ta vừa tiến công vừa kêu gọi quân địch đầu hàng. Quân địch đại bại. Hơn 5 vạn quân địch đã bị tiêu diệt. Chiến thắng Xương Giang năm 1427 vang dội của nghĩa quân Lam Sơn đã kết thúc hơn mười năm thống trị của quân xâm lược Minh trên đất nước ta.

Với ý nghĩa đó ngày 22/01/2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 293/QĐ-BVHTT-DL xếp hạng thành Xương Giang là di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang cấp Quốc gia. Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa đông bắc, cửa đông, cửa bắc, cửa tây nam, cửa nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành, địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa đông nam, cửa tây. Các điểm di tích được bảo vệ nằm rải rác ở các vị trí xen kẽ là khu dân cư các thôn Đông Giang, Nam Giang, Trại Bắc thuộc xã Xương Giang. Ngoài ra còn có một phần diện tích Trường Trung cấp Văn hoá,Thể thao và Du lịch, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang…

Theo Khảo sát thực tế và hồ sơ di tích thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều, tường thành cao hơn mặt ruộng khoảng 3- 4m, chân rộng 25m, mặt rộng từ 16- 20m, 04 góc có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m nhô hẳn ra ngoài, ngoài thành là hệ thống hào bao bọc.

Căn cứ Quyết định công nhận và theo thực tế hiện trạng của di tích, thành phố thực hiện việc quản lý nguyên trạng 14 địa điểm di tích gốc nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của thành Xương Giang. Việc bảo vệ này bao gồm việc quản lý đất đai, quản lý việc xây dựng của nhân dân, Nhà nước… theo đúng luật định. Tất cả mọi việc xây dựng trong khu vực di tích phải được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, dân cư ở trong khu vực thành được quy hoạch cụ thể và khi xây dựng phải được phép của cơ quan chức năng.

Để bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị di tích, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hiểu về ý nghĩa, giá trị to lớn của di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, ngày 28/11/2007 thành phố Bắc Giang có quyết định quy hoạch tổng thể diện tích của di tích với 32,85 ha thuộc địa phận xã Xương Giang cho 14 điểm cụ thể như trong Quyết định công nhận di tích. Tiếp đến ngày 28/4/2009, UBND tỉnh ra thông báo chấp nhận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu di tích thành Xương Giang của thành phố Bắc Giang với các hạng mục chính như: Trục thần đạo, đền thờ, đài lễ, nhà bia, khuôn viên cây xanh, hệ thống thoát nước tường bao và đường giao thông... thời gian từ  năm 2009 đến năm 2014.

Khi các công trình của di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang được đầu tư xây dựng không những gìn giữ được giá trị di tích mà còn có vai trò gắn bó chặt chẽ với các di tích khác trong tỉnh, phục vụ cho hoạt động du lịch và phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương trong đó có thành phố Bắc Giang. Đây sẽ là một quần thể kiến trúc, di tích độc đáo, là điểm nhấn trong việc phát triển không gian đô thị của thành phố Bắc Giang ở phía Bắc, là địa điểm cho việc hành lễ trong mỗi kỳ kỷ niệm chiến thắng hàng năm. Tổ chức tế lễ, rước, các trò chơi dân gian, các giải thể thao văn hoá của ngày hội. Đồng thời cũng là dịp giới thiệu cho du khách thập phương tham quan du lịch, tìm hiểu rõ di tích và ý nghĩa của chiến thắng Xương Giang.

Với những giá trị đã được thừa nhận trong lịch sử, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân, di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang mãi là niềm tự hào của nhân dân thành phố Bắc Giang nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của đất nước.

Nguồn: website báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục