Hoạt động của ngành

Việt Trì (Phú Thọ): Khôi phục Di tích lịch sử văn hóa tạo điểm nhấn cho Thành phố lễ hội

Cập nhật: 23/12/2009 08:12:22
Số lần đọc: 2543
Việt Trì là cố đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang. Qua ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo về kinh đô Văn Lang, có thể khẳng định Việt Trì có đủ cơ sở và tiềm năng tái hiện một hệ thống thiết chế về thời đại Hùng Vương, tạo nên một khu du lịch văn hóa tâm linh và truyền thống hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Số liệu tổng hợp cho thấy, thành phố hiện có gần 100 di tích, trong đó có 28 chùa, 26 đình, 7 đền và trên 10 miếu nằm rải rác ở 23 phường, xã; có trên 30 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh. Hầu hết các di tích đều được nhân dân trong vùng quan tâm, gìn giữ, tôn tạo và cắt cử người trông coi, quản lý như Đền Tiên, các Đình: Lâu Thượng, Bảo Đà, Hương Trầm; Thiên Cổ Miếu…Nhiều dấu vết di tích được phát hiện đã bổ sung vào kho tàng những thiên truyện truyền kỳ, tạo thêm màu sắc văn hóa tâm linh như Đền thờ công chúa Tiên Dung- Ngọc Hoa, miếu Lang Liêu…Tuy nhiên, trong quản lý, tái tạo các di tích cũng còn những bất cập. Một bộ phận nhân dân còn chưa hiểu rõ giá trị lịch sử các di tích, ý nghĩa các hoành phi câu đối, sắc phong; có nơi còn để mất các hiện vật như chùa Phú Lâm. Ngay trong tái tạo các di tích cũng bộc lộ những thiếu xót như việc lập các thủ tục xây dựng, tôn tạo đình, chùa còn tiện đâu làm đấy, chưa quan tâm tới tính lịch sử của di tích về mặt kiến trúc và thờ tự, gây nghi ngờ cho khách tham quan khi công trình có niên đại cách nhau vài ngàn năm nhưng kiểu kiến trúc và bài trí lại hoàn toàn mang tính hiện đại.

 

Phải nói rằng, khi đời sống vật chất đi lên thì nhu cầu văn hóa tâm linh được người dân chú trọng nhiều hơn. Việc bài trừ mê tín dị đoan hay những hủ tục lạc hậu đã góp phần giúp người dân có cái nhìn “trong sáng” và đức tin chuẩn mực; điều đó cũng đặt ra cho các cấp, ngành quản lý văn hóa phải có hướng chỉ đạo đúng đắn trong phục dựng, quy hoạch và khai thác các di tích lịch sử văn hóa.

 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân (Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao & Du lịch) trao đổi: Phòng Văn hóa đã có kế hoạch khảo sát, thống kê toàn bộ trên 100 di tích vật thể và phi vật thể ở 23 phường, xã và mở rộng phạm vi tìm kiếm tư liệu cho các di tích của Việt Trì hiện còn lưu giữ ở các tỉnh bạn. Lập hồ sơ chi tiết cho các di tích có giá trị nhất, chiếm khoảng 50% số di tích, tập trung vào các nội dung cơ bản như viết lịch sử, dịch các ngọc phả, hoành phi, câu đối, khảo sát lễ hội hàng năm của di tích, khảo sát và đánh giá về kiến trúc. Bên cạnh đó, chúng tôi biên soạn một bộ tài liệu các di tích có ảnh kèm theo và lập bản đồ di tích và phế tích. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các di tích sẽ được phân loại theo hai cách: Theo thời gian gồm thời tiền Hùng Vương, thời Hùng Vương, các thời đại sau có liên quan đến thời đại Hùng Vương; theo giá trị lịch sử của di tích, giá trị kiến trúc của di tích. Từ đó phân cấp để quản lý.

 

Để nâng cao giá trị của di tích, Thành phố Việt Trì đã sửa sang các họa tiết trang trí ở các di tích đã có, một vài nơi, do thực hiện tốt công tác xã hội hóa nên đã huy động được người dân tự lực đóng góp, trùng tu và xây dựng lại một số di tích. Ông Nguyễn Văn Yết- Trưởng Ban quản lý Đền Thiên Cổ (thôn Hương Lan, xã Trưng Vương) cho biết: Đền Thiên Cổ trước đây bị xuống cấp nhưng được sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân nên đã trùng tu lại. Những hiện vật như 2 chiếc bát tộ đúc bằng đồng thau tìm thấy năm 1993 trước cửa miếu hay chiếc rìu đồng tìm thấy đầu năm 2009 gần Đền, giống rìu ở di chỉ Làng Cả là những minh chứng quan trọng cho thời đại Hùng Vương xưa. Đền Thiên Cổ hiện vẫn giữ nguyên những họa tiết trước đây, phiên bản mẫu chữ cổ, mộ của thầy giáo Vũ Thê Lang và 2 cây táu trước sân Đền được rất nhiều khách thập phương đến thăm quan.

 

Tuy nhiên, nhiều hiện vật quý của cố đô Văn Lang bị thất lạc như tảng đá có hình gót chân ở Bến Gót, tấm bàn thạch nơi vị tiên ngồi đặt tên cho 100 người con trai trong bọc trăm trứng ở Đình Hoa Long, bàn cờ tiên ở Đền Tiên, hạt lúa thần ở Minh Nông đang rất cần sớm sưu tầm hoặc tái chế để đặt vào vị trí cũ kèm theo bia sự tích. Việc hoàn thiện kế hoạch khảo sát thực hiện đề án phục hồi, tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống thời đại Hùng Vương trên địa bàn thành phố được coi là đề án KT-XH để thúc đẩy hoạt động du lịch. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục