Tin tức - Sự kiện

Du lịch tàu biển - hướng trọng tâm của du lịch Việt Nam

Cập nhật: 24/12/2009 09:12:13
Số lần đọc: 1911
Du lịch biển là lợi thế lớn của Việt Nam song khách quốc tế tới Việt Nam tham quan bằng đường biển lại rất hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm tới, du lịch tàu biển sẽ là hướng trọng tâm của Chính phủ cũng như của ngành du lịch Việt Nam.

Việt Nam có hơn 3260 km đường biển, có nhiều bãi biển, vịnh đẹp được vinh danh trên thế giới, có lợi thế khai thác du lịch. Tuy nhiên, khách quốc tế tới Việt Nam bằng đường biển ít vì hiện nay chúng ta đang khai thác khách thông qua cảng hàng hóa, cảng thương mại mà chưa có cảng chuyên dụng phục vụ riêng cho du lịch. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ nhân lực du lịch tàu biển còn hạn chế, việc tổ chức tour, tuyến đường biển chưa chuyên nghiệp, có ít kinh nghiệm. Mặc dù chúng ta đã có những cố gắng tạo dựng chính sách thông thoáng cho khách song so với các nước vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc quyết định đưa khách tới Việt Nam của các hãng tàu quốc tế.

 

Theo nghiên cứu "Thực trạng và giải pháp thu hút khách tàu biển đến Việt Nam" đã được Vụ Lữ hành công bố vào trung tuần tháng 9 năm 2009, những khó khăn trên chính là nguyên nhân khiến khách du lịch tới nước ta bằng tàu biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Trên thực tế cho thấy, du lịch tàu biển ở Việt Nam sẽ khó mà phát triển được nếu như vẫn còn tồn tại tình trạng khách du lịch quốc tế khi đến bằng đường biển phải vận chuyển bằng cano hoặc tàu du lịch nhỏ vào bờ vừa mất thời gian, lại không đảm bảo an toàn.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh, để phục vụ tốt cho du khách thì đòi hỏi phải có thời gian cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phải xây dựng kế hoạch liên ngành, kết hợp giữa địa phương và Trung ương.

 

Ông Cường cho biết thêm, vừa qua chúng ta cũng đã có liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan tổ chức quốc tế có lợi thế về tổ chức du lịch tàu biển như: Singapore hay một số nước Bắc Âu đang có nghiên cứu đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch biển của Việt Nam. Trong những năm tới, du lịch tàu biển sẽ là hướng trọng tâm của Chính phủ cũng như của ngành du lịch Việt Nam.

 

Tuy nhiên, cũng còn nhận thấy rằng, hiện nay, chất lượng dịch vụ để phục vụ khách du lịch tàu biển còn đơn điệu và chưa hấp dẫn. Một số cơ chế chính sách liên quan đến du lịch tàu biển còn lạc hậu, thủ tục tại các cảng biển còn nhiều tầng nấc.

 

Trên thế giới, du lịch tàu biển hiện là loại hình có mức tăng trưởng nhanh nhất trong ngành du lịch. Ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, cơ quan du lịch nhà nước từ lâu đã tạo được chiến lược phát triển ngành du lịch tàu biển một cách cụ thể và chi tiết. Ví dụ như ở Singapore, ngoài việc định hướng phát triển, có những hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá và tạo quan hệ với đối tác nước ngoài, nước này còn có cả quỹ phát triển du lịch tàu biển để khuyến khích các hãng tàu quốc tế hợp tác với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, doanh nghiệp phải tự thân vận động hoàn toàn.

 

Ai cũng nhận ra cái yếu, cái thiếu, cái chưa hợp lý trong khai thác và phát triển du lịch tàu biển song vài năm trở lại đây còn số khách du lịch tàu biển quốc tế tới Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở con số dưới 5% trong tổng số khách quốc tế tới Việt Nam. Đành rằng những khó khăn như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng thì cần những giải pháp chiến lược, lâu dài song cũng nên triển khai cho tốt những giải pháp trước mắt – những điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được chẳng hạn như nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hơn trong phục vụ khách tránh chèo kéo, gây mất thiện cảm cho du khách, hay tăng thời gian lưu trú trên bờ cho khách để khách có thuận lợi hơn trong cấp giấy tham quan.

 

Tổng cục Du lịch đã đặt ra mục tiêu là đến năm 2015, Việt Nam phải đón được một triệu khách tàu biển nhưng nếu nhìn vào thực tế hiện nay, nếu chúng ta không nhanh chóng có những hành động thì còn số đó sẽ còn là xa vời.

 

Hiện nay, ở Việt Nam, các công ty du lịch có bộ phận làm dịch vụ khách tàu biển không nhiều, đứng đầu là hai Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist và Tân Hồng thường đón khách của các tàu từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Nam Á. Kế đó là nhóm sáu công ty du lịch ở Quảng Ninh cùng chia sẻ lượng khách Trung Quốc tham quan miền Bắc theo hai tuyến tàu Bắc Hải - Hạ Long và Hải Nam - Hạ Long. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ở miền Trung nhận lại khách từ Saigontourist hoặc Tân Hồng khi tàu du lịch ghé các cảng Quy Nhơn, Chân Mây, Cửa Việt (Quảng Trị).

 

Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch tàu biển, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã cùng 16 công ty du lịch quốc tế họp bàn để liên kết thành lập Mạng lưới dịch vụ du lịch tàu biển châu Á. Dự kiến đầu năm 2010, các công ty trên sẽ họp lại một lần nữa để ký kết thỏa thuận chung cũng như đề ra kế hoạch hành động chi tiết. Có thể nói, việc đẩy mạnh hợp tác về du lịch tàu biển giữa Saigontourist với các công ty du lịch quốc tế (đến từ một số quốc gia như: Nhật Bản, Maldives, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar…) sẽ góp phần to lớn vào phát triển du lịch tàu biển của Việt Nam. Du lịch tàu biển luôn là thế mạnh hàng đầu ở Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Trong năm 2009, Saigontourist đón hơn 75.000 khách tàu biển (tham quan TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long).

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT