Non nước Việt Nam

Tẹ cạ grang - vũ điệu của tình yêu và ước vọng

Cập nhật: 25/12/2009 14:12:57
Số lần đọc: 3118
“Tẹ cạ grang” - múa Cá lượn, là vũ điệu dân gian truyền thống của đồng bào Khơ Mú trong các lễ hội, ngày vui của làng, của bản. Với những động tác vẫy tay, đánh hông, lắc vai... vừa uyển chuyển mềm mại lại mạnh mẽ, tràn đầy nhựa sống, “Tẹ cạ grang” thể hiện tình yêu và ước vọng sống của người Khơ Mú.

Xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn - nơi tập trung đông đồng bào Khơ Mú  ở Yên Bái sinh sống. Định cư xen kẽ với đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Kinh, Tày..., nhưng người Khơ Mú vẫn gìn giữ được khá nguyên vẹn những giá trị văn hoá truyền thống ngàn đời của mình. Những lễ mừng nhà mới, lễ cưới, lễ tra hạt vẫn được người Khơ Mú Nghĩa Sơn tổ chức theo đúng phong tục, mang đậm nét văn hoá. Những giá trị văn hoá đó được ví như thiết chế gắn kết cộng đồng, tạo nên sự bền vững. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Khơ Mú và nghệ nhân dân gian thì điệu “Tẹ cạ grang” được bắt nguồn từ khát vọng tình yêu và sự no ấm sung túc của người Khơ Mú.

 

Nghệ Nhân Vì Văn Sang - xã Nghĩa Sơn kể: “Ngày xưa, người Khơ Mú chủ yếu sống bằng nương rẫy, săn bắn chim trong rừng và bắt cá dưới nước. Một ngày xuân nọ, có một người đi tìm bắt cá dưới suối, thấy chúng bơi lội tung tăng dưới nước, vẫy đuôi, xoè vây, so đầu, cọ mình, lượn đi lượn lại rồi nhao lên mặt nước như giỡn đùa thật đẹp mắt. Về nhà, ông hình dung và nghĩ ra điệu múa “Tẹ cạ grang” (Cá lượn). Điệu múa gồm 6 động tác  chính giống như những cái vẫy đuôi, xoè vây, ghẹ đầu quấn quýt bên nhau của những con cá trong lòng khe”.

 

6 động tác chính trong điệu “Tẹ cạ grang” đều thể theo hình ảnh con cá đang bơi lội: động tác cá ở trong hang; cá di chuyển; cá vượt thác ghềnh; cá vui vẻ múa lượn; cá từng đôi ghẹ nhau và động tác lắc mông. Ngôn ngữ hình thể giàu sức biểu cảm trong điệu “Tẹ cạ grang” khiến cho người xem như mê đắm theo đàn cá đang bơi lượn. “Tẹ cạ grang” có thể múa từ 6-8 người hoặc múa đôi trai gái với các động tác đánh vai, lắc hông, vẩy tay vừa uyển chuyển, mềm mại lại vừa mạnh mẽ, tràn đầy sức sống.

 

Các động tác và bước múa trong “Tẹ cạ grang” luôn nồng nàn mê đắm, tràn đầy khát vọng tình yêu và tình cảm gắn bó cộng đồng. Động tác tay khi thì trông như hai con cá đang vờn nhau trên mặt nước, khi lại nhao xuống như ghẹ nhau. Bên cạnh động tác tay là động tác lắc hông, thể hiện chất phồn thực của điệu múa nhưng lại kín đáo ý nhị, không thô kệch. Đối với “Tẹ cạ grang” múa đôi nam nữ, những động tác lắc hông của người con trai có thể là lắc hông đơn hoặc kép đều thể hiện sự dí dỏm đáng yêu nhưng mạnh mẽ. Động tác lắc hông của người con gái lại đều đều uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng đầy khát vọng nội sinh. Đó chính là cái độc đáo của “Tẹ cạ grang”.

 

Biên đạo múa Hoàng Anh Đậu - Phó giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái - người đã có nhiều năm nghiên cứu, dàn dựng những tiết mục dân vũ của người Khơ Mú cho biết: “Những động tác trong dân vũ của người Khơ Mú luôn mạnh mẽ và có thể nói là mạnh mẽ nhất trong dân vũ của các dân tộc vùng Tây Bắc. Nó thể hiện sức khoẻ của con người và qua đó cũng thể hiện khát vọng sống mãnh liệt. Trong điệu múa Cá lượn còn thể hiện đậm chất phồn thực của người Khơ Mú, mang theo cả ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

 

Trong lễ mừng nhà mới, điệu “Tẹ cạ grang” như một câu chuyện kể lại quá trình làm nhà của gia chủ. Những động tác uyển chuyển, mềm mại của các thiếu nữ Khơ Mú trong điệu “Tẹ cạ grang” cùng với âm thanh rộn rã của các nhạc cụ đệm đã tạo nên  không khí vui tươi, tràn đầy lạc quan cùng những lời mong ước tốt đẹp trong lễ mừng nhà mới, cầu chúc cho gia chủ mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, nhà cửa dựng xong lúc nào cũng đủ đầy.

 

Còn trong lễ tra hạt (Chư mo hờ rệ), điệu “Tẹ cạ grang” được diễn ngay bên cạnh bãi nương mới tra xong. Sau những giờ lao động miệt mài, điệu múa như xua tan mệt nhọc, tạo thêm hưng phấn lao động sản xuất, đồng thời cũng mang theo lời cầu nguyện xua đuổi chim chóc phá hoại mùa màng, cùng cầu cho mưa thuận gió hoà, lúa nương tươi tốt để mang đến cho người Khơ Mú cuộc sống no đủ. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, những cô gái Khơ Mú trong điệu “Tẹ cạ grang” như hoà quyện với thiên nhiên. Những âm thanh của các nhạc cụ đệm như thôi thúc khát vọng sống mãnh liệt của con người trào dâng.

 

Ngày xuân, “Tẹ cạ grang” cũng được múa, mang theo ước vọng về một năm mới bình an, hạnh phúc, ấm no cho bản làng.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT