Thú chơi quay của người Mông (Yên Bái) trong dịp Tết
Lễ hội của người Mông thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy.... Tuy nhiên, trò chơi thu hút được sự chú ý và tham gia của nhiều người là trò chơi đánh quay.
Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Tù lu ( con quay) được làm từ những loại gỗ cứng như : sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra ... có đường kính từ 7 – 10 cm. Con quay có hai đầu, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 – 60 phút. Dây đánh quay được se bằng lanh thường được gọi là Cua, được nối với một đoạn Pảng, gọi là gậy làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40 cm. Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có ta luy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.
Khi chơi, người chơi thường quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Khi có tiếng hô “ Tầu Lâu”( đánh đi ) thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp, người kia xuống quay để những người còn lại đánh vào con quay của mình.
Vào những ngày tết hay các dịp hội hè, ở xã Bản Mù thường tổ chức chơi quay giữa các thôn với nhau để chọn ra người những chơi giỏi nhất để tham gia thi đấu với các xã khác trong huyện. Đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, gặp gỡ với nhau trong những dịp đầu xuân.