Tin tức - Sự kiện

Nà Mỏ (Tuyên Quang) giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Cập nhật: 30/12/2009 09:12:29
Số lần đọc: 1709
Nà Mỏ (thị trấn Nà Hang) là thôn có 100% đồng bào Dao đỏ. Với đặc điểm đó, những phong tục, lễ nghi truyền thống vẫn được đồng bào nơi đây giữ gìn, phát huy.

Anh Bàn Tài Ngan, Trưởng thôn Nà Mỏ cho biết: Nà Mỏ có 22 hộ dân, với 120 nhân khẩu. Trong những hội diễn văn nghệ quần chúng của thị trấn hay do huyện tổ chức, Nà Mỏ luôn là một trong những đoàn dẫn đầu với những tiết mục đặc sắc. Chị Hoàng Thị Phấy, một diễn viên quần chúng thường xuyên tham gia các tiết mục văn nghệ cho biết, độc đáo nhất là tiết mục Páo dung của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Hát Páo dung truyền thống thực chất là những bài hát bằng thơ, do truyền miệng mà thành, nhưng dần dần cùng với sự phát triển của cuộc sống, người Dao đỏ tự mình đặt lời cho những bài hát Páo dung, nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ... Nói rồi chị cất tiếng hát cho chúng tôi nghe một bài hát do người Nà Mỏ tự biên, tự diễn về con đường mới mở. Con đường giúp người Nà Mỏ nhìn thấy văn minh, giúp con cháu thôn Nà Mỏ cắp sách đến trường được gần hơn. Anh Bàn Tài Ngan chia sẻ, đây là bài hát do ông La Văn Dâm đặt lời theo làn điệu Páo dung truyền thống, tiết mục này đã giành giải nhì trong Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn huyện năm 2008. Những bài hát mà người Nà Mỏ tham dự trong các hội thi, các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng phần nhiều là do ông Dâm tự đặt lời và dịch lời ra tiếng phổ thông.


Cùng với việc gìn giữ nét đẹp trong các làn điệu Páo dung, phụ nữ Nà Mỏ còn tự tay mình thêu những bộ trang phục truyền thống. Chúng tôi đến nhà chị Triệu Thị Mẩy đúng lúc chị đang thêu những hoa văn cầu kỳ, đẹp mắt lên bộ trang phục mà chị đã mất công thêu thùa gần một năm nay để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Mẩy cho biết: Mỗi bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ muốn đẹp, muốn có nhiều họa tiết cầu kỳ đều phải mất một năm mới thêu xong. Một bộ trang phục hoàn thiện đẹp, mỗi bộ trung bình cũng nặng từ 3-4 kg. Phụ nữ ở Nà Mỏ ai cũng biết thêu thùa cả, người già dạy cho người trẻ, người thêu đẹp dạy lại cho người thêu chưa thạo, không ai muốn mất bản sắc cả. Người phụ nữ Nà Mỏ trước đây mặc trang phục truyền thống quanh năm, nhưng giờ chỉ mặc trong những dịp lễ hội, cưới xin thôi. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, người Nà Mỏ luôn cố gắng gìn giữ những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc của dân tộc để làm giàu hơn nền văn hoá đẹp đẽ của cộng đồng các dân tộc Nà Hang.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT