Hai ngày Tây Đô
Ngày đầu tiên khách ở Cần Thơ, bạn có thể lên kế hoạch tham quan những nơi đặc trưng sông nước miệt vườn.
Sáng sớm, bạn đưa khách đến bến Ninh Kiều, thuê tàu đi chợ nổi Cái Răng. Bạn cũng có thể đi Cái Răng bằng đường bộ; sau đó thuê ghe đi chợ nổi. Tham quan chợ nổi khoảng 3-4 giờ, đồng thời giới thiệu với khách khung cảnh sinh hoạt đậm hồn châu thổ: hàng trăm ghe, thuyền lớn nhỏ của khách thương hồ đậu san sát, mua bán nhộn nhịp các loại trái cây, nông sản. Mùa hè, chợ nổi Cái Răng rực rỡ vì màu sắc tươi mới của các loại trái cây đặc sản đang mùa chín rộ: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn... được chất đầy ắp trên ghe xuồng đủ loại. Khách tham quan chợ nổi còn được mục kích cuộc sống thương hồ của nhiều gia đình.
Từ chợ nổi Cái Răng, tiếp tục hành trình bằng đường thủy lẫn đường bộ (theo tỉnh lộ 923) về hướng huyện Phong Điền. Để chứng kiến cuộc sống thực sự của nhà vườn, bạn có thể đến vườn sầu riêng Sáu Tuấn (qua khỏi cầu Mỹ Khánh một đoạn sẽ đến bến đò Rạch Sung, bạn qua đò, đi thẳng một đoạn, rẽ phải qua cầu và rẽ trái khoảng 4 km là đến vườn). Nơi đây không làm dịch vụ du lịch, mà chỉ có một quán nước nhỏ phía trước để khách nghỉ chân. Khách sẽ được chủ vườn dẫn đi tham quan khắp khu vườn rộng 6 ha chuyên trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép và măng cụt. Bạn có thể chọn cho mình những trái sầu riêng vừa chín rụng, hoặc những quả măng cụt vừa chín đỏ, sau đó cân ký, trả tiền và ăn tại vườn, hoặc đem về nhà.
Cũng trên tỉnh lộ 923, đi thêm một đoạn nữa bạn sẽ đến Làng du lịch Mỹ Khánh. Tại đây, khách được tham quan ngôi nhà cổ 100 năm tuổi được chủ vườn mua về từ Bình Thủy. Khách có thể đi dạo bằng xe ngựa quanh vườn, đi xích lô đạp, bơi xuồng chài lưới trên ao, hoặc tham gia các trò chơi dân gian như: leo cau, đập nồi, nhảy bao bố... Làng du lịch Mỹ Khánh còn có hệ thống nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, có hồ bơi phục vụ các em thiếu nhi. Đặc biệt, bạn có thể đãi khách ăn trưa hoặc chiều ở đây với nhiều món ăn đặc sản, như chuột quay lu, bánh xèo, lẩu cá ngát, lẩu mắm...
Lưu lại Làng du lịch Mỹ Khánh qua đêm, bạn có thể tham gia hoạt động chài cá về đêm, đi du thuyền trên sông. Chắc chắn khách sẽ vô cùng thích thú khi ngồi bên bếp than hồng nướng và thưởng thức những loại cá, tép do chính tay mình bắt được. Nếu không lưu trú, bạn có thể trở về Cần Thơ, tham quan bến Ninh Kiều, mua sắm ở Nhà lồng Chợ Cổ, mua các loại trái cây đặc sản ở chợ Tân An, đi du thuyền trên sông Hậu...
Ngày thứ hai, có hai phương án để lựa chọn: đi khu du lịch Phù Sa hoặc tổ chức một tour du lịch làng nghề về hướng Thốt Nốt.
Sau 10 phút đi ghe hoặc tàu từ bến Ninh Kiều, bạn sẽ đến khu du lịch Phù Sa, để được hòa mình trong khoảng không gian thoáng đãng, tươi đẹp rộng 30 ha trồng các loại cây trái, hoa kiểng, nhiều ao hồ nhỏ trồng bông súng, hoa sen và được rừng bần bao bọc xung quanh. Tại đây, có các dịch vụ quen thuộc: câu cá sấu, bơi xuồng giữa rừng bần, tắm trên sông Hậu... Khách có dịp tham gia nhiều trò chơi có cảm giác mạnh như ca-nô kéo dù bay (giúp người chơi được bay bổng lên trời, ngắm nhìn sông Hậu và TP Cần Thơ từ độ cao hàng chục mét); hay lái mô-tô nước, ca-nô dã ngoại, lướt ván... Tại Phù Sa có nhiều món ăn khá hấp dẫn, với các loại bánh dân gian như bánh xèo, bánh đúc, bánh tét, bánh cúng và nhiều món ăn độc đáo, trong đó có lẩu bần Phù Sa và món Tứ quý (gồm các loại mắm ăn kèm cá lóc nướng trui, thịt luộc và rau sống). Nếu thấm mệt, khách có thể thuê lều, võng, rồi nằm dưới tán cây, đón gió mát rượi và nghe đờn ca tài tử.
Bạn có thể tự tổ chức một tour làng nghề độc đáo bằng xe gắn máy để đãi khách phương xa. Xuất phát từ TP Cần Thơ, đi theo quốc lộ 91, đến ngã ba đối diện Nông trường Sông Hậu có ngã rẽ phải vào lộ tẻ Bằng Tăng – khu vực có nhiều làng nghề truyền thống của quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt. Đầu tiên là xóm lọp Dì Tho nằm cách ngã ba lộ tẻ Bằng Tăng chừng 3 km, thuộc phường Thới Long (Ô Môn). Lọp là loại dụng cụ dùng để bắt cá phổ biến vào mùa nước nổi vùng ĐBSCL, được sản xuất tập trung vào mùa hè nhằm đón mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Đi tiếp theo tuyến đường bê-tông cặp kinh Dì Tho, khách đến xóm chuyên làm lò đất Bà Rui để chứng kiến sự khéo léo của người thợ chỉ từ đất sét mà nặn lên những chiếc cà- ràng nổi tiếng được bán khắp miệt Hậu Giang. Tiếp tục đi dọc theo kinh Cụt, kinh Thơm Rơm, khách sẽ đến làng nghề bánh tráng thuộc xã Thuận Hưng (Thốt Nốt). Nhiều du khách thích thú nhìn sự khéo léo của các chị, các mẹ tráng bánh bên chiếc lò bốc khói nóng hổi. Tham quan các làng nghề xong, khách tiếp tục đi dọc con đường nhỏ xanh mát, đến bến đò qua cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) ghé vườn sinh thái của ông Sáu Tia hay vườn kiểng của ông Đoàn Thành Nam, tham quan những ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1900. Vào mùa hè, cù lao Tân Lộc còn quyến rũ du khách bởi nhiều loại trái cây đặc sản chín rộ, nhất là vào dịp lễ hội trái cây dịp Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch.
Nếu không thể tự tổ chức tour, bạn có thể đăng ký tại Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, với giá từ 190.000 – 250.000 cho mỗi tour ngắn dành cho 10 người như tham quan chợ nổi, du lịch làng nghề. Bạn cũng có thể đãi khách những món ăn đặc sản nổi tiếng như lẩu mắm Dạ Lý (đường 3-2), nem nướng Thanh Vân (đại lộ Hòa Bình), vịt nấu chao hẻm 1 Lý Tự Trọng...