Hoạt động của ngành

Hàm Yên (Tuyên Quang) đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ

Cập nhật: 11/01/2010 14:01:04
Số lần đọc: 2501
Hàm Yên là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. Để du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển, huyện đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa du lịch, dịch vụ trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm.

Quy hoạch và mời gọi đầu tư


Hàm Yên hiện có nhiều điểm du lịchhấp dẫn như: Động Tiên, Thác Lăn, đền Thác Cái (xã Yên Phú); Hồ Khởn (xã Thái Sơn), đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (thị trấn Tân Yên), rừng đặc dụng Cham Chu (xã Minh Hương). Xác định du lịch - dịch vụ là một ngành kinh tế quan trọng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XVIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu, đến năm 2010 tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 19,79%.


Thực hiện Nghị quyết, huyện đầu tư công tác quy hoạch, chi trả đền bù và xây dựng hạ tầng các điểm du lịch gần 2 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho công tác quy hoạch hơn 70 triệu đồng; đầu tư chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 360 triệu đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điểm du lịch Động Tiên, xã Yên Phú 1,5 tỷ đồng. Đến nay, Động Tiên đã hoàn thành xây dựng mặt bằng sau lễ hội, khán đài, đường vào, đường lên các động, hệ thống cấp điện, khu vệ sinh công cộng, các biển quảng cáo, biển ghi tên các động, nhà quản lý. Đền Thác Cái đã xây dựng nhà đền, sân bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước, điện, khu vệ sinh. Huyện thành lập Ban quản lý dự án quy hoạch các điểm du lịch và ký hợp đồng với Viện nghiên cứu phát triển du lịch, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chi tiết điểm du lịch sinh thái Hồ Khởn, xã Thái Sơn. Huyện ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư. Đến nay đã có các đơn vị đăng ký đầu tư vào các điểm du lịch: Hồ Khởn xã Thái Sơn, Thác Lăn xã Yên Phú; đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Phong, thị trấn Tân Yên.


Cùng với việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng là việc khôi phục các lễ hội: Lễ hội Động Tiên - Chợ quê; Hội chọi trâu; lễ hội đình Thác Cấm, đền Bắc Mục... Ngoài ra các hoạt động văn hoá văn nghệ, các làn điệu truyền thống như hát páo dung (dân tộc Dao), hát then, hát cọi (dân tộc Tày)... đều được các đội văn nghệ không chuyên của các xã, thị trấn duy trì, biểu diễn, mang đến cho du khách những ấn tượng về nét văn hoá độc đáo làng quê. Các lễ hội như Lồng tông, Giã cốm (dân tộc Tày), Khai nhạc (dân tộc Cao Lan)... cũng được tổ chức đều đặn hàng năm đã bổ sung thêm tiềm năng về du lịch cho huyện. Đặc biệt, các ngành nghề truyền thống như đan lát, thêu ren, dệt thổ cẩm, dệt mành cọ,... đang phát triển mạnh mẽ tại các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Sơn, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên. Các mặt hàng lưu niệm đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã đã trở thành món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Hàm Yên.


Gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế


Nhắc đến Hàm Yên là nhắc đến quê hương của Cam sành, của Vịt suối Minh Hương. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này là một trong những việc đã và đang được huyện tích cực triển khai thực hiện. Cùng với việc tổ chức lễ đón nhận thương hiệu “Cam sành Hàm Yên” (tháng 12-2007), vừa qua huyện đã xây dựng và công bố chất lượng tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm cam sành Hàm Yên. Hiện nay, diện tích cam toàn huyện lên đến gần 2.500 ha, sản lượng cam hàng năm đạt gần 30 nghìn tấn quả. Để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành với bạn bè, huyện đã thành lập Hội Cam sành và Hợp tác xã dịch vụ Phong Lưu (xã Phù Lưu). Vụ cam năm 2008 cam sành Hàm Yên đã có mặt ở một số siêu thị lớn tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các chợ đầu mối của các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Mặc dù sản lượng cam bán ra chưa nhiều, song đây là điểm nhấn cho sản phẩm cam sành Hàm Yên tiếp tục chinh phục thị trường trong những năm tiếp theo.

 


Vịt suối Minh Hương được du khách gần xa biết đến, tìm mua. Để vịt bầu Minh Hương trở thành đặc sản nổi tiếng, Hàm Yên đã thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi vịt bầu tại xã Minh Hương, tiến tới xây dựng thương hiệu “Vịt Minh Hương” trong năm nay. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2009 - 2010, tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng. Dự án thực hiện nuôi 5.220 con vịt đẻ trứng và 20.000 con vịt thương phẩm, qua đó nhằm phát triển nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi giống vịt bầu tại xã Minh Hương, cung cấp giống cho địa bàn toàn huyện. Khuyến khích nông dân có điều kiện chăn nuôi vịt quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá tạo ra nguồn sản phẩm thịt, trứng vịt chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân. Quy hoạch vùng chăn nuôi vịt tiến tới xây dựng thương hiệu “Vịt Minh Hương”, phấn đấu trong năm 2010, đưa đàn vịt toàn xã có hơn 20 nghìn con, trong đó duy trì nuôi trên 5.000 con vịt bầu đẻ trứng và 15 nghìn con vịt thương phẩm, đồng thời mở rộng chăn nuôi vịt bầu tại 2 xã Tân Thành và Phù Lưu.


Để những tiềm năng du lịch của Hàm Yên được nhiều người biết đến, huyện đã khai trương trang tin điện tử Hàm Yên (www.hamyen.org.vn). Website này đã giới thiệu chi tiết, đầy đủ những địa danh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Động Tiên, Hồ Khởn..., những lễ hội độc đáo như chọi trâu, Động Tiên - Chợ quê, lễ hội đình Thác Cấm và đặc sản Cam sành, Vịt Minh Hương nổi tiếng. Qua kênh thông tin này, nhiều du khách gần xa đã đến với Hàm Yên, đến với những điểm du lịch hấp dẫn.


Tuy có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng hiện nay doanh thu về du lịch của Hàm Yên vẫn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2009, doanh thu du lịch của huyện mới đạt gần 1 tỷ đồng, với hơn 90 nghìn lượt khách tham quan. Vì vậy chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mời gọi đầu tư, phát triển các ngành nghề truyền thống nâng cao chất lượng dịch vụ... đang được huyện từng bước thực hiện, để Hàm Yên trở thành điểm đến hấp dẫn của khách thập phương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục