Đặc sắc Lễ hội ẩm thực Dừa Bến Tre lần II
Đa dạng các món ăn quê dừa
Chưa 7 giờ mà các chị phụ nữ ở huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại đã đến tập hợp, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, nguyên vật liệu để chế biến món ăn. Những hàng cau dọc mặt tiền của khu du lịch Lan Vương treo 50 lá cờ- tượng trưng cho 50 năm Bến Tre Đồng Khởi, 3 con rồng được kết bằng các loại trái cây đặc trưng của xứ dừa tượng trưng cho 3 dải cù lao hình thành nên tỉnh Bến Tre. Bên trái sân đón khách đặt 6 cái trống lớn và 50 trống nhỏ màu vàng, xanh, dàn hàng ngang phía sau đuôi rồng lớn, 56 thanh niên đánh trống đón khách và du khách đến dự đại hội và phục vụ lễ. Từ bàn lễ hướng ra cổng giữa là hai hàng dừa, con đường được trải thảm đỏ, đặt 50 cái trống sơn màu ngũ hành để bày món ăn dâng tiền nhân. Khu vực nấu ăn của các đơn vị dự thi được phân thành 3 dãy. Năm nay, có 150 thí sinh tham gia dự thi với 50 món ăn đều có hương vị dừa. Hầu hết các thí sinh đều đồng phục áo bà ba, tóc dài thả ngang vai hoặc búi cao. Khi tiếng trống báo hiệu bắt đầu cuộc thi; không khí rộn ràng lên bởi tiếng cười nói, tiếng leng keng, xèo xèo của những “nghệ sĩ” nấu ăn.
Vòng qua những “quán ăn” đặc sản của các đơn vị, đến đơn vị xã An Qui (Thạnh Phú) với món dự thi “Đội xung kích vượt bờ đê”- ba khía rang dừa, thật ấn tượng. Với câu thơ giản dị mời gọi:
Cù lao Minh miền sông nước.
Có dịp nào anh quá bước xuống chơi.
Đến đi em sẽ đãi dưa.
Và món ba khía rang dừa rất ngon.
Chỉ nước cốt dừa rang ba khía, rất đậm đà, vừa béo, vừa ngọt, ăn kèm muối tiêu chanh, món ăn dễ làm và mang hương vị đồng quê. Các chị còn cho biết thêm, hàng năm, vào thượng tuần tháng 5 âm lịch là ngày hội của ba khía, có rất nhiều ba khía lên các vuông tôm, lúc này ba khía như được tắm sạch, thịt rất thơm và ngọt. Ta có thể dùng ba khía để chế biến các món: ba khía rang me, rang muối, nấu canh chua với rau đắng, mắm ba khía…
Đến đơn vị dự thi xã Mỹ Hòa (Ba Tri) với món bánh canh cua đồng. Nguyên liệu chỉ đơn giản: bột gạo, bột mì, lòng trắng trứng gà, cua đồng và tép. Chị Nguyễn Thị Hồng Châu nói: Để bánh canh béo, đậm đà, tôi đã dùng nước cốt dừa trộn chung với bột, người ăn sẽ không ngán. Cua đồng giã nhuyễn, để “bồng con” mình phải thêm lòng trắng trứng. Khi bột tan, chị Châu bắc lên bếp khuấy đến khi bột có màu trắng trong, chị trộn thêm bột mì và nhồi đều tay. Đủ độ cứng, chị đem ra thớt vừa lăn vừa cắt sợi nhỏ. Đó chỉ là một công đoạn làm bánh canh, công phu và mang đậm nét thôn quê.
Vùng đất nhiều sông nước, dừa bạt ngàn, Bến Tre còn có nhiều loài động vật, loại rau lá có sẵn trong môi trường tự nhiên mà người dân đã sáng tạo ra món ăn độc đáo, với những hương vị chỉ riêng có ở Bến Tre. Chỉ vài cơn mưa đầu mùa, dưới vườn dừa sẽ có nấm mối mọc lên, món nấm mối xào củ hủ dừa ngọt vô kể. Đó cũng là một món ăn đặc sản của quê dừa mà đơn vị Châu Thành gửi đến hội thi.
Còn nhiều, rất nhiều món ăn được chế biến từ dừa: chè nước dừa, bánh xèo, tép rang dừa, bánh tét, bí hầm dừa, gỏi bắp chuối trộn xác dầu, ngọc trong lá (hến um dừa), ngọc trai ẩn lụa (bánh tráng gói ốc đắng), hương vị bốn mùa, hương vị đồng bằng, ngọc ánh lửa hồng, kình ngư hóa rồng, ngưu dạo thảo nguyên, thiên nga thưởng nguyệt… Mỗi món ăn đều có đặc trưng riêng, nói lên sự đa dạng của quê dừa. Đó là niềm tự hào của Bến Tre khi được sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngày hội ẩm thực có số lượng món ăn, thức uống được chế biến từ dừa nhiều nhất” vào ngày 16/1/2009