Xôi nóng hổi, thịt lơn, gà luộc, cá nướng, rau đồ, bánh chưng xanh, chai rượu, bát canh, tăm, trầu, mắm muối… tất cả được bày lên mâm gỗ vuông đã rải mảnh lá chuối rồi lại được trịnh trọng đặt lên từng mâm trên bàn thờ để tổ chức bữa tiệc dâng tổ tiên và thần thánh. Bữa đó được người Mường gọi là “làm Tết”.
Từng món ăn, cách chế biến, bầy bượm, giá trị dinh dưỡng, thời điểm thưởng thức… tất cả tạo nên tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng - Văn hóa ẩm thực dân gian Mường. Tôi được biết, người Mường từ xã xưa đã biết cách sống chung với thiên nhiên. Họ phát hiện nhiều nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bổ dưỡng, nhiều món còn có tác dụng chữa và ngăn chặn bệnh tật. Cao hơn nữa, họ đã dần dần hình thành tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng, song vẫn bảo lưu nhiều yếu tố văn hoá Việt cổ.
Người già ở các bản Mường thường nhắc với con cháu về ngồn gốc của lương thực và các món ăn đặc trưng của mình, đặc biệt là trong dịp Tết. Việc nhắc nhở như vậy để con cháu biết phát huy việc trồng, cấy lương thực, biết chế biến ngon và giữ giá trị của món ăn, biết “tạ ơn” người xưa ( tổ tiên), tạ ơn thần thánh để cho mưa thận gió hoà, cây cối đâm trồi nẩy lộc, mùa màng bội thu…
Những món ăn cổ truyền trong ngày lễ, tết và ngày thường của người Mường rất đa dạng. Có đến hàng chục món đồ cùng đủ loại món luộc, món xào, món nấu, món nướng, món nộm, món dưa. Nhiều món ăn được người Mường ưa thích và trở thành món chính trong các bữa ăn như: cơm nếp đồ, cá ốc đồ, rau trộn đồ, măng đắng đồ; thịt gà, lợn, luộc; sườn rang mắm tôm, nhộng ong rừng rang với nước măng chua; thịt trâu xào tiêu rừng; thịt trâu nấu lá lồm, ốc vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng; chả lá bưởi, thịt gà luộc gói lá chuối nướng; nộm tai lưỡi, óc lợn, ớt cá lá kiệu, ớt gà vịt; măng chua, đu đủ muối tiết trâu bò, thịt lợn ướp thính, dưa cá muối kiệu…
Nhiều sự tích hay, nhiều thành ngữ đẹp về các mon ăn được người Mường lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như tôn thêm giá trị truyền thống của cội nguồn dân tộc. Người Mường có câu: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong”, “Cơm đồ nhà gác, nước vác, lợn thui”… Đó cũng là sự đúc kết của người xưa về những món ăn có giá trị “ đặc sản” của người Mường. Ngoài ra, còn có sự liên tưởng về giống lúa nếp (giống lúa được người Mường yêu quý và ưa dùng nhất), nhất là giống lúa nếp cái “ Tlởng khe”. Từ này nghĩa đen là trứng con ngoé. Có lẽ người xưa thấy sự giống nhau giữa con ngoé và hạt gạo “Tlởng khe” tròn, có mầu vàng và cũng sinh sôi nảy nở nhiều trên ruộng, vào đúng vụ sấm dậy, mưa rào. Con ngoé cũng có ý nghĩa khi sinh sôi nẩy nở nhiều trên ruộng để diệt sâu bọ, đảm bảo cho vụ mùa trĩu nặng bông nếp thơm.
Sự trân trọng và phát huy những giá trị trong đời sống ẩm thực của người Mường được minh chứng cho đến thực tế ngày hôm nay. Những mâm cơm của bữa ăn ngày thường hay đến mâm cỗ ngày lễ tết đều được chế biến, bầy bượm sao cho khéo đúng với cổ truyền. Nếu như hình thức, mùi vị, chất lượng các món ăn không giống như hương vị cổ truyền của cha ông là chưa đạt chuẩn. Nhiều người “sành ăn” cho rằng: Các món thịt phải được bày trên lá chuối mới giữ được vị thơm đặc trưng của thịt; mâm cỗ phải có đủ giá trị dinh dưỡng, các món ăn với các chất liệu phù hợp, có lợi cho sức khoẻ; mâm cỗ ngon phải có đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, chát và phải ngồi ăn ở không gian thoáng, mát, có bạn hiền, có khách quý cùng ăn mâm cỗ mới thật ngon, thật ý nghĩa… Tuy nhiên, người Mường thích ăn những thức ăn có vị chua, vị đắng, chát. Còn vị cay thường để ra làm món riêng chứ không xào nấu lẫn với các thực phẩm khác. Vị ngọt thì chỉ ăn ở dạng hoa quả tươi, hoặc dùng đường, mật chấm các loại dánh có bột.
Ngoài những món ăn kể trên, trong văn hoá ẩm thực dân gian của người Mường còn có các loại rượu trắng, rượu cần, các loại bánh như: bánh trưng, bánh dầy, bánh uôi, bánh ống, bánh ốc nhọn, bánh trôi…; các loại nước từ cây rừng, nước chè uống tốt cho sức khoẻ và dễ tiêu sau bữa ăn. Riêng về rượu cần, từ nguồn gốc xuất xứ, quá trình ủ men, làm rượu và nhu cầu sử dụng trong gia đình, tiếp khách, trong các đám lễ và nghệ thuật uống cũng chứa đựng nhiều nét văn hoá độc đáo của người Mường
Văn hoá ẩm thực của người Mường còn thể hiện giá trị độc đáo sâu sắc trong đời sống của mỗi gia đình trong việc quan tâm đến nết ăn uống của con người từ lúc còn nhỏ. Đó chính là nết ăn uống kính trên nhường dưới; đó là lòng hiếu khách và hạnh phúc khi được nhiều người quý mến và ở lại nhà ăn cơm; đó là lòng thương người thiếu đói, sẵn sàng cho gói cơm, đấu gạo khi người khó đến xin; đó là tính cởi mở giao tiếp trong ăn uống…
Văn hoá ẩm thực của người Mường được lưu giữ góp phần quan trọng trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc. Nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm du lịch hấp dẫn với nhiều món ăn, nhiều sản phẩm đặc trưng được quảng bá như khu vực suối khoáng Kim Bôi, Bản Giang Mỗ (huyện Cao Phong), khu vực thị trấn Mường Khến và Mường Bi (huyện Tân Lạc), khu vực Mường Vang, và các xã vùng cao huyện Lạc Sơn…. Nhiều lễ hội được tổ chức trong năm cũng luôn dành một khoảng lớn cho việc tôn vinh giá trị của ẩm thực dân gian.