Di tích lịch sử văn hóa đền Cố Trạch (Nam Định)
Đền Cố Trạch nằm cách quốc lộ 10 khoảng 300 m, thuộc địa phận xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, thờ Đức thánh Trần: Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông cùng với vua Quang Trung, đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là danh tướng. Ngôi đền này nằm sát với đền Trần thờ các vua nhà Trần, cùng chung hàng cây lưu niên, hàng tường bao, cửa vào, sân gạch, hồ sen với 6 con rồng đá trườn xuống nước như sắp vẫy vùng. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đến năm 1962, đền Cố Trạch được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước.
Cố Trạch có nghĩa là "nhà cũ". Tục truyền vào giữa thế kỷ XIX, nhân dân đào được trên đất đền hiện nay một phần bia ghi rõ là đất ở nhà cũ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bước chân vào đền, du khách sẽ gặp ngay ở cung đệ nhất bức đại tự khắc gỗ năm Đinh Dậu (1897). Trên đó ghi "Hưng Đạo Thân Vương Cố Trạch", nghĩa là nhà cũ của Hưng Đạo Vương. Qua cung đệ nhất, đến cung đệ nhị, khách sẽ gặp "vật báu" có một không hai. Đó là bộ cánh cửa gỗ. Khi khép lại nó tạo thành những bức tranh lịch sử liên hoàn chạm khắc tỷ mỉ, công phu. Mỗi cánh cửa mở ra là một sự kiện, một nhân vật lịch sử của thời Trần hiện về. Từ hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt đến cảnh Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế. Rồi các Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than, trận Chương Dương-Hàm Tử, trận Bạch Đằng Giang nổi tiếng, cảnh Thoát Hoan chui ống đồng tháo chạy hiện lên sinh động qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân.
Sau hai cung là khu "Tại Thiên hương". Hưng Đạo Vương và các quan văn, võ được thiết kế thờ trong không gian không có mái che để trời đất hòa tụ. Tòa Tiền Đường có ban thờ, bài vị 3 vị danh tướng có công trong chống giặc Nguyên Mông là Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Phạm Ngộ.
Hè qua thu tới, về với mảnh đất Thiên Trường, dự lễ hội Trần, du khách sẽ có dịp bước vào thế giới lịch sử, được sống lại với hào khí Đông A trong 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông của dân tộc.