Đình An Lũy - An Khê (Gia Lai)
Từ đó, thu hút người miền xuôi Bình Định, Quảng Ngãi chen chúc nhau lên mua bán trao đổi, ngoài các bộ phận thú rừng đa dạng và quý hiếm, đến vật nuôi hay thuần dưỡng như voi, ngựa, trâu - bò, còn trữ lượng lâm sản thì nhiều vô kể như trầm kỳ, mật ong, trầu nguồn, nhựa thông… Dần dần người miền xuôi đến định cư đông đúc hơn lập nên làng xóm. Thế thường “Đất có dân, thần có chủ” họ lập đình miếu phụng thờ. Và đình An Lũy đã đứng lên từ buổi sơ khai ấy, tọa lạc trên một cánh rừng rộng và bằng, hướng mặt về Tây Nam. Hiện nay có bờ thành con lơn bao bọc và nhiều cây cao bóng cả lợp tán giao cành tạo nên cảnh thâm nghiêm cổ kính. Xét theo thời gian, đình hẳn là “anh cả” của quần thể “Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo-căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773) được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận theo Quyết định số 1057/QĐ ngày 14/06/1991”.
Đình An Lũy (đình trong) xây dựng theo kiến trúc cổ truyền, tiền đường hậu tẩm. Ngôi tiền đường có ba gian hai chái, hậu tẩm có một gian hai chái, hội đủ sáu vày kèo, tám cây quyết, tám cây đấm và bốn mươi cây cột. Gia nguyên, đỉnh chốt của ngôi đình được 6 bộ cối chày thon thả nâng cao và an tọa trên lưng sáu cây trính ba lá uốn cong, kèo nhất đoạn tạc đầu lân đuôi cá, năm gian bàn khoa cải tiến, ngưỡng cửa xoi chỉ lá sen, ngạch cửa xoi chỉ trái cốc… Tất cả các hạng mục gỗ đều toát lên nước sơn màu gụ màu vàng óng, hoặc màu hồng thẫm bóng ngời ngời. Mái ngói vảy nóc đúc lưỡng long tranh châu, nền và sân lát gạch Bát Tràng…