Sắc màu lễ hội Nepal
Một phần quan trọng của văn hóa Nepal là những lễ hội đầy màu sắc, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng, diễn ra ở mọi tháng trong năm. Một trong những lễ hội đặc sắc nhất của Nepal là Tihar (còn gọi là Dipawali) - lễ hội Ánh sáng - kéo dài năm ngày nhằm tôn vinh nữ thần Laxmi biểu trưng cho sự thịnh vượng.
Ngày thứ 2, ngày Kukur tihar tôn vinh chó. Truyền thuyết Nepal kể rằng, chó là người canh cổng xuống địa ngục và chó hay chiến đấu cùng thần hủy diệt Bhairab. Vì thế, vào ngày thứ 2 của lễ hội Tihar, người ta tôn vinh chó bằng cách dán một nốt đỏ to (gọi là tika) lên trán chúng, quàng vòng hoa rất đẹp quanh cổ, rồi thết đãi chúng bữa ăn thật thịnh soạn. Trong ngày này, đường phố ngập tràn chó.
Ngày thứ 3, ngày Laxmi puja quan trọng nhất của lễ hội. Ngày này, người ta tôn vinh chúa của sự thịnh vượng: con bò. Bò là con vật linh thiêng của người Hindu (nên người theo đạo Ấn không bao giờ ăn thịt bò). Bò được dán tika lên đầu, quàng vòng hoa qua cổ và được ăn uống no nê. Người ta đem phân bò rải quanh nhà, uống một hoặc hai giọt nước tiểu của bò để tẩy uế cho thể xác và tâm hồn. Ngoài ra, họ còn nhúng một cọng cỏ vào nước tiểu của bò và vẩy cho những người xung quanh.
Ngày thứ 4 của lễ hội là thời điểm tôn vinh nữ thần Laxmi. Từ nhiều ngày trước, nhà cửa khắp nơi được dọn dẹp, lau chùi để đón nữ thần. Tối đến, ngoài cửa chính của mỗi ngôi nhà, người ta tô đỏ một mảng tường và đặt trên đó ngọn đèn dầu, rồi vẽ đường đi đến hòm đựng tiền và đồ vật có giá trị trong gia đình. Trong mỗi gia đình người Nepal đều có một hòm đựng tiền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - hòm tiền để thờ phụng nữ thần Laxmi. Số tiền này không ai được dùng, trừ trường hợp hết sức cấp bách. Cả ngôi nhà được thắp sáng bởi rất nhiều ngọn đèn dầu đặt cạnh tất cả cửa ra vào và cửa sổ. Các cô gái tụ tập hát những bài ca ngợi nữ thần Laxmi và nhiều người đánh bài thâu đêm. Nepal không ngủ trong đêm của lễ hội tôn vinh nữ thần ánh sáng.
Ngày thứ 5, ngày Bhai tika là dịp để phụ nữ tôn vinh anh, em trai của mình. Cả tuần trước ngày lễ, các bà, các cô nhộn nhịp tự tay kết hoa, làm bánh, chuẩn bị quà cho anh, em trai. Họ đợi đến ngày này để đem đến nhà anh, em trai những món quà được chuẩn bị cẩn thận và công phu.
Sau đó, tất cả cùng làm lễ cầu mong cho anh, em trai mạnh khỏe và thành đạt suốt đời. Đầu tiên, người đàn ông được tôn vinh được mời ngồi trên đất. Chị em vẽ và trang trí một vòng hoa thật đẹp trước mặt người đó để tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc của anh, em trai. Rồi người phụ nữ rước nến, bôi dầu, vảy nước... để mang đến may mắn và bình an cho anh, em trai. Sau khi được phụ nữ tặng quà, người đàn ông cũng tặng lại chị hoặc em mình những món quà mà họ chuẩn bị từ trước. Lễ tôn vinh anh, em trai diễn ra với sự chứng kiến của bố mẹ.
Phong tục tôn vinh anh, em trai được tất cả người dân Nepal tuân theo. Vào ngày thứ 4 của lễ hội, Đài phát thanh quốc gia sẽ thông báo tiên đoán của một nhà tiên tri về thời điểm dán tika lên đầu người anh hoặc em trai. Thời Nepal còn có vua trị vì, các chị em gái của vua cũng làm lễ Bhai tika và dán tika lên trán của vua.
Người Nepal có tinh thần gia đình đoàn kết và lễ hội Tihar, đặc biệt ngày tôn vinh anh, em trai, là dịp họ bỏ qua mọi giận hờn, xích mích để vui vẻ chúc phúc cho nhau. Điều này cũng giống như ở Việt Nam, vào dịp lễ Tết, người tha dễ tha thứ cho nhau những lỗi lầm đã qua để hướng tới một sự khởi đầu mới bình an.