Hành trang lữ khách

Khám phá miền đất cổ Cao Răm (Hòa Bình)

Cập nhật: 26/01/2010 08:01:44
Số lần đọc: 2208
Nằm giữa những dãy núi đá vôi, Cao Răm là một thung lũng cổ, chỉ rộng chừng 3km2, nhưng nơi đây hiện đang có tới 4 trên tổng số 37 di tích cấp Quốc gia. Đến với Cao Răm, sau giây phút trang nghiêm cùng di tích lịch sử hang Đền; miệt mài với di tích khảo cổ hang Chổ, hang Núi Sáng thì du khách sẽ được phiêu du thưởng ngoạn những kiệt tác của tạo hoá trong động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng...

Tìm về nguồn cội

 

Trong hành trình khám phá Cao Răm hôm nay, chúng tôi chọn hang Chổ là điểm “khởi động” vì hang nằm ngay dưới chân núi, đi lại thuận tiện nhất. Nơi đây, năm 1926 đã được nhà khảo cổ người Pháp M.Côlani chọn là một trong những điạ điểm đầu tiên khai quật để nghiên cứu về văn hoá Hoà Bình. Trước cửa hang Chổ là thung lũng rộng, đất đai phì nhiêu, cây cối quanh năm tươi tốt, gần nguồn nước nên từ cửa hang có thể dễ dàng tiến hành việc săn lượm kiếm tìm thức ăn thuỷ hải sản và thảo mộc. Chính vì vậy, cư dân nguyên thuỷ đã sống ở hang Chổ từ rất lâu, điều này được biểu hiện tầng tích tụ văn hoá dày, chứa nhiều phế thải thức ăn nhuyễn thể và bộ công cụ đá rất lớn.

 

Với hơn 1.000 hiện vật đã được khai quật và trưng bày ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Viện khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng nhân chủng học, Bảo tàng Hoà Bình, các nhà khoa học đã khẳng định hang Chổ là di tích khảo cổ học quan trọng, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu và thăm quan về một nền văn hoá tiền sử nổi tiếng: Văn hoá Hoà Bình. Dẫn chúng tôi đến khu vực được khai quật mới nhất trong hang Chổ, đại diện Phó giám đốc Bảo tàng Hoà Bình cho biết: “Ở đây có những di vật đá biểu hiện đặc trưng di vật văn hoá Hoà Bình như công cụ bằng đá cuội chiếm đa số, bao gồm cả những hòn cuội nguyên và những loại làm từ mảnh đá cuội tách mỏng. Bên cạnh những loại hình công cụ thuộc nhóm truyền thống như công cụ rìa lưỡi dọc, công cụ rìa liên tiếp, mũi nhọn..., nổi bật lên là những đặc chủng công cụ đá Hoà Bình bao gồm công cụ hình bầu dục, hình hạnh nhân, hình chữ nhật…. Ngoài ra, những di tích động vật tìm thấy trong hang cho thấy cuộc sống săn bắn, hái lượm vẫn là chủ đạo, chưa có dấu hiệu của cấy trồng và xương động vật nuôi.” Từ những căn cứ trên, các nhà khoa học đã đưa ra cho di tích hang Chổ một khung niên đại tương đối trên dưới 10.000 năm cách ngày nay và nằm trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta. Cùng với sự phong phú, đa dạng về di vật và công tác bảo quản, giữ gìn của hang Chổ được tiến hành tương đối tốt nên đứng dưới vòm hang rộng, cầm trên tay những di chỉ còn sót lại, mỗi người trong chúng tôi đều có thể tự mình hình dung đến cuộc sống đã từng diễn ra trong chính hang động này từ hàng ngàn năm về trước.

 

Sau màn “khởi động” khá thú vị ở hang Chổ, chúng tôi thực sự bắt đầu bước vào hành trình khám phá, tìm hiểu các di tích của Cao Răm khi hang Núi Sáng hiện ra trước mắt ở vị trí dốc thẳng đứng cách mặt đất khoảng 30m. Phải dùng thang dây leo lên vách đá rồi lách qua cửa hang hẹp, tuột trên dốc đi xuống thẳng đứng, cẩn trọng men theo những khe hẹp ngổn ngang các cột nhũ lớn bị đứt từ trần hang xuống, đoàn chúng tôi đã đến cửa giếng. Cửa giếng hẹp, ăn sâu xuống dưới. Chỉ xuống cửa giếng, anh Bùi Văn Long (xóm Sáng, xã Cao Răm) nhớ lại: “Chính trong đáy giếng này, cuối năm 1997, trong một lần đi bắt rắn, tôi đã phát hiện ra cái đầu lâu nổi lên trên vũng đất mềm. Hai hốc mắt của nó to tròn và những chiếc răng cửa thì như ngón tay cái người lớn”. Sau khi sự việc này được báo cáo lên chính quyền địa phương, đoàn khảo sát của Bảo tàng Hoà Bình đã phối hợp với phòng Văn hoá thông tin Lương Sơn thu hồi được rất nhiều xương cốt. Phó tiến sỹ Vũ Thế Long – chuyên ngành khảo cổ học động vật, trưởng ban ban nghiên cứu con người và môi trường cổ đã khẳng định: “Những di cốt trên là 2 bộ xương Đười ươi. Trong đó một bộ còn khá nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đã trưởng thành, còn bộ không nguyên vẹn là di cốt của một con đười ươi chưa trưởng thành..” Còn theo đánh giá của giáo sư Hà Văn Tấn - Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam thì: “Việc phát hiện ra hai bộ xương Đười ươi có giá trị khảo cổ học rất lớn. Đó là di cốt khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của một loài động vật quý hiếm trên thế giới. Nó chẳng những là cứ liệu khoa học tiếp tục nghiên cứu sự tồn tại Đười ươi tại Việt Nam mà còn bổ sung, chỉnh lý lại những quan điểm khoa học trước đó về Đười ươi tại Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Nghiên cứu về bộ di cốt Đười ươi này sẽ góp phần làm sáng tỏ diễn biến môi trường cổ ở nước ta và Đông Nam Á”.

 

Để lại sau lưng những di chỉ khảo cổ quí giá, chúng tôi leo lên đến cửa hang khi mặt trời vừa chiếu đỉnh. Một buổi nghỉ trưa tiếp thêm năng lượng là rất cần thiết để chúng tôi có thể hoàn thành mục tiêu chinh phục hai thắng cảnh thiên tạo đẹp ngẩn ngơ của Cao Răm trong buổi chiều nay.

 

Âm vang bài ca của đá

 

Nằm ở cuối dãy núi Sáng, động Mãn Nguyện đẹp đến ngỡ ngàng du khách bốn phương. Theo lời giới thiệu của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch: “Đây là một trong những động được đánh giá là đẹp nhất của tỉnh Hoà Bình”. Bước vào cửa động, một thế giới của đá cứ thế dần dần mở ra huyền ảo. Động như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hoá, được kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội hoạ, giữa tính hoành tráng của dãy núi Sáng cùng với nét duyên dáng của từng nhũ đá, măng đá, cột đá, vân đá. Sự mềm mại của đá làm tất thảy những ai một lần được chiêm ngưỡng đều phải thốt lên ngỡ ngàng. Những màu sắc, hình dáng, vân đá…biến đổi kì ảo theo từng thời gian, góc độ khác nhau luôn tạo cho du khách sự bối rối, bất ngờ. Điều thú vị nhất của động Mãn Nguyện có lẽ là vì đã làm cho du khách thưởng ngoạn những phiến đá tĩnh lặng mà cứ ngỡ như đang chiêm ngưỡng người thiếu nữ biết làm duyên, tạo dáng. Từng khối đá tưởng như câm lặng nhưng lại hiển hiện sự sôi động, huyền ảo của thế gian hàng triệu năm trước. Sự huyền ảo, tráng lệ và kỳ vĩ do thiên nhiên tạo lập cứ dằng dìu bước chân du khách chẳng muốn rời. Đứng giữa biển đá, đắm chìm trong thế giới của đá, lắng nghe hơi thở của đá hay chính là một phút giây con người lắng lại tâm hồn, tìm cho chình mình cảm giác bình yên, thanh thản giữa nguyên sơ đất trời.

 

Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình khám phá Cao Răm là hang Khụ Thượng. Hang chia thành 3 động nhỏ, mỗi động lại có những vẻ đẹp kỳ thú khác nhau. Động I trải ra như một rừng nấm sum vầy đông đúc, chiếc to xám đồ sộ, chiếc nhỏ xinh e ấp; bên cạnh rừng nấm là những chùm đèn đá treo sang trọng. Nếu đá khẳng định sự rắn chắc của mình ở rừng nấm, lung linh ở chùm đèn thì nhũ đá lại mềm mại, thướt tha như một dải lụa trên vắt trên trần. Nhũ đã sinh động như những giọt mưa buông mình giữa không trung, nửa lưu luyến thiên đường trên vòm hang nửa nôn nao muốn rơi xuống trần thế.  Nếu động I là đại sảnh, phòng chờ thì động II được so sánh như chính cung một toà lâu đài thời trung cổ vì sự hoành tráng, lộng lẫy đến kiêu sa. Điểm nổi bật của chính cung là những hình thù, mảng màu kỳ lạ trên những vách đá bao quanh. Đứng giữa động, chúng tôi có cảm giác như đang đứng giữa phòng trưng bày kiệt tác của những hoạ sỹ, nhà điêu khắc tài hoa. Vách đá một bên động hiện ra như thác bạc, thác đã hoá đá, nước đã hoá đá và cả dòng chảy cũng hoá đá! Men theo con dốc ngắn, chui qua một cửa tò vò rất nhỏ, chúng tôi đã lạc vào động thứ III. Từ dưới đất, măng đá, cột đá…chen chúc mọc lên, trên vòm trần, đá hò nhau rủ xuống, nhũ đá từ hai vách hang cũng vào hội thi đá đua nhau nhô ra. Giữa khu rừng nhô lên một khối đá lớn khẳng định quyền bá chủ! Đá muôn hình muôn vẻ tạo nên một trường ca tự do, dù hát bằng tiếng thì thầm nhưng vẫn xao động tâm hồn du khách. Chúng tôi mải mê lạc trong thế giới đá và chỉ chợt bừng tỉnh khi tiếng mõ trâu về chuồng lóc cóc vang lên từ những bản làng dưới chân núi.

 

Chỉ nằm cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 40km, giao thông đi lại thuận lợi, đời sống văn hoá Mường còn được nhân dân địa phương giữ gìn tương đối nguyên vẹn, đặc biệt là sự tồn tại của 4 di tích lịch sử quốc gia. Thung lũng Cao Răm mang trong mình đầy đủ những tiềm năng du lịch quí giá để có thể phát triển thành vùng du lịch hấp dẫn du khách bốn phương. Như một nàng công chúa bấy lâu nay vẫn ngủ quên trong rừng, giờ đây miền đất cổ Cao Răm đã sẵn sàng thức giấc!

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục