Bếp lửa ngày Tết của người vùng cao
“Bếp tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa. Như là mặt trời, bếp làm cho mọi người gần nhau bởi sức nóng và ánh sáng của nó - đó cũng là nơi đun nấu thức ăn. Vì vậy, bếp là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi.” – Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới đã định nghĩa như vậy về bếp lửa.
Với người Mông ở Yên Bái, bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các dịp lễ Tết, bếp lửa của người Mông đều có những quy định riêng. Ngay từ chiều 30 Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ là người dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới mà bắt đầu từ gian bếp.
Quét trần bếp phải bằng cành lá của cây trúc, vừa quét vừa khấn xin thần bếp phù hộ cho gia đình. Trong những ngày Tết, bếp của gia đình người Mông không được tắt lửa, nếu chẳng may bị tắt thì cũng không được thổi lên, vì theo quan niệm của họ, thổi là có gió bão làm mất mùa dẫn đến đói kém. Đặc biệt, trên trần bếp còn treo những xâu thịt cắt khổ ướp muối để ăn dần.
Tối ngày 30 Tết, bên bếp lửa, mọi người cùng trò chuyện ôn lại năm cũ, cùng chúc nhau một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và cùng cầu cho mùa màng tươi tốt, bản làng ấm no. Hương Tết toả ra từ những bộ váy áo thổ cẩm mới, từ làn khói trắng ẩm bốc lên từ nồi xôi làm bánh dày thơm nức.
Âm thanh của Tết cũng bắt đầu đến từ tiếng chày đôi giã bánh, từ tiếng tí tách của thanh củi cháy đượm. Hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của chén rượu thơm nồng xua tan đi lạnh giá nơi vùng cao. Bỗng bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Với người Khơ Mú, trong suốt những ngày Tết, bếp thờ ở giữa nhà cũng không bao giờ tắt lửa. Bếp không dùng để nấu nướng thức ăn mà đó chính là nơi ngự của tổ tiên về ăn Tết. Vì vậy mà bếp thờ được trang hoàng sặc sỡ bằng những tờ giấy đỏ được cắt hình họa tiết đơn giản.
Với người Khơ Mú, giấy đỏ chính là biểu tượng của may mắn và hạnh phúc. Theo tập quán truyền thống, đêm 30 Tết, sau giao thừa, nhà nào cũng mổ một con gà trống thiến để xem chân với quan niệm dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình.
Tại bếp thờ, mọi người trong gia đình quây quần, những người cao tuổi nhất trong nhà sẽ đảm nhiệm việc “thăm” chân gà với những nguyên tắc xem chân gà truyền thống, rồi cầu khấn tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới ấm no, hạnh phúc. Sau đó, chân gà được để lên gác bếp cho đến hết năm như mong muốn lời cầu khấn của gia đình được linh nghiệm.
Trong nhà truyền thống của người Khơ Mú còn có hai chiếc bếp: chiếc bếp ở gian đầu tiên là bếp được sử dụng nấu ăn phục vụ cho nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng vào ngày Tết, người Khơ Mú kiêng đồ xôi, nấu cơm ở bếp này mà nấu ở bếp xôi cơm. Bếp xôi cơm chỉ được dùng để xôi cơm phục vụ cho lễ Tết, thể hiện sự trân trọng trong việc dâng cúng tổ tiên cơm mới vào dịp đầu năm.
Quan niệm và những điều kiêng kị trong không gian bếp của mỗi dân tộc dù có khác nhau, song đều chung ý niệm, bếp là nơi được coi trọng nhất trong ngôi nhà, ngọn lửa bếp là biểu trưng cho sự sống, tình yêu và sự hồi sinh bất diệt.