Ninh Bình: Hội nghị kế hoạch tổ chức lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010
Theo kế hoạch, lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm 2010 được tổ chức từ ngày 5/3 đến 8/3 âm lịch. Nội dung lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ mở cửa Đền, lễ rước lửa, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ rước kiệu, và tế lễ cổ truyền.
Phần hội, sau lễ khai mạc hội, sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đa dạng, đặc sắc như biểu diễn múa lân, múa rồng, quan họ Bắc Ninh, múa rối nước; biểu diễn xiếc; thi giọng hát chèo hay; các trò chơi dân gian (cờ người, thi kéo co, chọi gà); các hoạt động văn hoá, nghệ thuật (chung kết cuộc thi “Người đẹp văn hoá Cố đô Hoa Lư năm 2010”, bình thơ “Đất và người Ninh Bình”); các hoạt động triển lãm, trưng bày về mẫu tượng đài vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga, ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”, hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, một số công trình kiến trúc tiêu biểu của tỉnh, thư pháp, câu đối.
Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động thể thao như giải golf Hoa Lư, giải vật dân tộc, giải bóng chuyền; các hoạt động hội chợ, ẩm thực; hoạt động du lịch, dịch vụ.
Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2010 có thay đổi về kịch bản so với những năm trước, tạo điểm nhấn hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với những nét mới như lễ rước kiệu. Đây là sự kết hợp sắc thái dân gian truyền thống, yếu tố tâm linh và nghi thức đương đại, nhằm kích lệ truyền thống, tiếp nối khí phách của người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng Đế.
Chương trình khai mạc lễ hội Cố đô Hoa Lư tại sân lễ hội Cố đô Hoa Lư dự kiến sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt
Trong lễ khai mạc có biểu diễn múa lân, trống hội Hoa Lư, khởi trống, khởi chiêng khai hội, chương trình sân khấu hoá diễn tích Đinh Tiên Hoàng Đế (3 màn: cờ lau tập trận, dẹp loạn 12 sứ quân, đăng quang Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế.
Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chung, kế hoạch, thể lệ, kịch bản và tổ chức các hoạt động tại lễ hội; thành lập 5 tiểu ban phục vụ (tiểu ban tuyên truyền, trang trí khánh tiết; nội dung; lễ tân, hậu cần; an ninh, khai mạc); và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành nghiêm túc tổ chức thực hiện các phần việc đảm bảo theo chương trình đặt ra.
Việc tổ chức lễ hội sẽ được đảm bảo thực hiện theo hướng xã hội hoá các hoạt động, với yêu cầu nghiêm trang, an toàn, tiết kiệm.