Phú Thọ: Tổ chức lễ hội đình làng Lâu Thượng
Là địa phương gắn nhiều với thời đại Hùng Vương và Kinh đô Văn Lang, xã Trưng Vương có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đình, chùa, miếu... thờ các anh hùng dân tộc, người có công với nước, với dân. Làng Lâu Thượng có một đặc trưng riêng đó là có hai ngôi đình đều thờ chung Tứ Vị Đại Vương là: Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, Hai Bà Trưng và Thành Hoàng làng là Lý Hồng Liên người có công dạy học, khai dân lập ấp. Ông Nguyễn Văn Lãng, thành viên trong Ban tổ chức hội làng cho biết: Theo truyền thuyết, trước đây làng Lâu Thượng chỉ có một ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ thứ XV thời Lê cách đây 500 năm. Đến thời nhà Nguyễn, đình đã được trùng tu và tôn tạo lại. Người dân ở Lâu Thượng ngày càng đông đúc, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp việc làng, nhân dân đã xây thêm một ngôi đình nữa là Đình Nội. Sau khi xây dựng xong, cứ vào ngày 9 tháng giêng nhân dân tổ chức lễ hội, rước kiệu từ Đình Ngoài vào Đình Nội tế lễ, sau đó rước kiệu ra trước miếu vật của Đình Ngoại để tế lễ và tổ chức các hoạt động vui chơi như: Đấu vật, cờ người, đu tiên, kéo co, chọi gà... và ngày mùng 10 mở tiệc làng ăn mừng.
Qua nhiều triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... phong tục lễ hội của làng Lâu Thượng vẫn giữ được truyền thống xưa và duy trì hàng năm. Nhưng đến năm 1947, giặc Pháp chiếm đóng, người dân Lâu Thượng phải đi tản cư bốn phương, từ đó lễ hội không được tổ chức; đồ tế lễ bị thất lạc và bị hư hỏng đình đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm gìn giữ và bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, cả hai đình Lâu Thượng đã được tôn tạo và tu bổ. Riêng Đình Ngoại được tôn tạo và tu bổ hai hạng mục công trình với tổng diện tích là 400m2 đó là đình Lâu Thượng và miếu Vật với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Các hạng mục công trình, các bức trạm khắc được thay thế phục chế theo phong cách kiến trúc thời Lê. Cùng đó, Đình Ngoại đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và con em quê hương cung tiến cho đình các đồ khí tế như: Kiệu, chiêng, trống, bát bửu, trang phục...
Để có lễ hội được phục dựng theo đúng với truyền thống xưa, xã Trưng Vương cùng với nhiều cơ quan đơn vị của tỉnh và TP Việt Trì đã dày công tìm hiểu, tra cứu tư liệu cổ để phục dựng lại các nghi lễ rước kiệu cúng tế, các trò chơi dân gian trong lễ hội. Lần đầu được tổ chức sau nhiều năm thất truyền, lễ hội đình làng Lâu Thượng có các phần rước kiệu, cúng tế cơ bản đã được khôi phục, còn các trò chơi do thời gian gấp rút nên mới chỉ khôi phục được đất vật, chọi gà và kéo co... Một lễ hội truyền thống được phục hồi nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.