Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Khai lễ hội là Lễ mở cửa đền, lễ dâng hương sau đó là Lễ rước nước. Người ta chuẩn bị cho Lễ rước nước khá công phu, từ lúc mặt trời chưa mọc, đoàn người mang cờ phướn, ăn mặc giống lính tráng quan quân thời nhà Đinh khiêng kiệu, mang ché phủ lụa điều ra giữa dòng Hoàng Long, tương truyền đúng chỗ Rồng vàng nổi lên giúp Đinh Bộ Lĩnh vượt sông thoát nạn để múc nước mang về đền vua Đinh. Ngày chưa xa quê, năm nào tôi cũng đi theo đoàn rước nước, có năm dân trong vùng và du khách đến dự kéo dài từ bến sông Hoàng Long đến cửa đền Vua Đinh, kéo tràn cả vào sân đền Vua Lê.
Lễ rước nước không chỉ ngợi ca công đức Đinh Tiên Hoàng - vị vua có công dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, Lễ rước nước còn là dịp để người dân cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đó cũng chính là nét văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hoàng Long quê tôi.
Sau lễ rước nước là lễ tế. Trước khi khai hội, người ta lập một đàn tế ở giữa đền Vua Đinh và đền Vua Lê. Khi đoàn rước nước về đến nơi, ché nước thiêng được truyền tay nhau dâng lên thần linh. Tiết xuân mát mẻ, đất trời linh thiêng, trên đàn tế nghi ngút khói hương. Tiếng trống hội vang xa như tiếng hịch tái hiện các sự kiện lịch sử lúc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, khi Lê Hoàn thắng quân Tống trở về, thấp thoáng bóng dáng yêu kiều của bà Thái hậu hiện ra cùng đoàn Cung nữ đứng ở bến sông Vân Sàng chờ tin chiến thắng. Nghe tiếng trống hội náo nức, du khách không khỏi một chút ngậm ngùi, tiếc nuối về một thời hoàng kim của kinh đô Hoa Lư.
Sau lễ là hội, với các trò chơi dân gian gắn với những truyền tích của hai vị Vua như cờ lau tập trận, múa rồng, cắm trại, thi hành quân nấu cơm, thi múa kiếm, võ tay không, thi nấu cơm, thi hát hội, kéo co và đặc sắc có lẽ là màn xếp chữ. "Thái Bình" niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng khi ông lên ngôi trị vì thiên hạ, cũng là tên gọi đầu tiên của đồng tiền Việt Nam. Màn xếp chữ lôi cuốn du khách không phải ở thông điệp "Thái bình" của một ông vua phong kiến mà còn ấn tượng bởi 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân xanh tay cầm cờ đỏ, kéo cờ lên, hạ cờ xuống theo nhịp trống kết thành chữ linh thiêng.
Đến với lễ hội Cố đô Hoa Lư, du khách còn được xem màn thi người đẹp, thi hát chèo, những làn điệu ngọt ngào cũng với kèn phách xênh xang trong mấy ngày hội, đủ để níu chân du khách thập phương dùng dằng chẳng muốn rời.