Lễ hội Nước Mặn- Bình Định
Chừng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu- một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Tục thờ Thiên Hậu của người Hoa hòa nhập với tục thờ mẫu của người Việt chính là linh hồn của Lễ hội Nước Mặn vậy chăng?
Lễ hội ra đời, đánh dấu vùng đất biên viễn Đại Việt bước vào thời kỳ phồn thịnh, đồng thời, thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt- Hoa. Cho đến nay, dù cảng thị đã suy tàn, nhưng chùa Bà vẫn còn và Lễ hội Nước Mặn tồn tại như một biểu hiện văn hóa địa phương. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào các ngày mùng 1, 2 và 3/2 âm lịch, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, thu hút người dân không những trong huyện, trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh khác đến tham dự.
Điểm đặc biệt của Lễ hội là người dân ở đây thắp đèn lồng vào các ngày lễ, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với Lễ hội và xem đây như Tết thứ hai trong năm.
Lễ hội Nước Mặn- Chùa Bà năm nay vui tươi, rộn ràng hơn mọi năm với hàng ngàn khách trong và ngoài tỉnh nô nức đến với Lễ hội để cầu mong tài lộc, phúc đức… Lễ hội được tổ chức khá quy mô. Sau phần lễ, phần hội bắt đầu bằng biểu diễn múa lân, múa đèn và biểu diễn tuồng. Phần hội tiếp tục bằng các hoạt động như thi đấu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, thi các trò chơi dân gian như: đập ấm, bịt mắt bắt vịt, biểu diễn võ cổ truyền.