Lễ hội đền Dạ Trạch, Hưng Yên
Truyền thuyết kể rằng: Sau khi Công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, vợ chồng nàng cho dân khai khẩn, lập làng và mở rộng giao thương buôn bán. Cả vùng đất phù sa ven sông Hồng thời vua Hùng thứ XVIII thuộc Chu Diên như bừng dậy sức sống mới với nghề buôn bán tấp nập và trồng lúa, ngô, khoai... Dân giàu, vật thịnh yên vui, vợ chồng Tiên Dung đi học đạo pháp rồi lại về vùng đất hữu tình đã cho họ nên vợ nên chồng xây lâu đài thành quách. Vua Hùng thấy vậy cho quân lính về trấn trị Chử Đồng Tử. Khi quân lính hạ trại nghỉ ngơi bên kia sông thì ở bên này sông, chỉ trong một đêm, tất cả thành quách lâu đài biến mất theo cơn gió bụi, chỉ còn lại dải cát và đầm mênh mông, nên dân gian gọi là Đầm Nhất Dạ hay là Dạ Trạch.
Thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục lấy vùng Dạ Trạch nhiều đầm lầy lau sậy làm căn cứ chống quân Lương xâm lược. Du khách về thăm viếng đền sẽ thấy bộ khán thờ Triệu Quang Phục trang nghiêm trong hậu cung, khác hẳn với đền Đa Hoà và đình Đông Kim quê hương bà Tây Sa công chúa, hay còn gọi là Thánh Hữu chỉ thờ Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân.
Nhớ ơn công đức Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân, ngoài lễ kỷ niệm ngày sinh Chử Đồng Tử (12/8), lễ kỷ niệm ngày hoá của ba vị (17/11), lễ hội chính được mở vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch hằng năm. Xuân Canh Dần năm nay, lễ hội đền Dạ Trạch được tổ chức long trọng với sự tham gia của các đoàn đại biểu xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín và các xã: Tân Dân, Đức Nhuận, Đông Kim, Hàm Tử thuộc huyện Khoái Châu. Đoàn hát quan họ của Bắc Ninh sẽ về Dạ Trạch biểu diễn và giao lưu. Đội hát trống quân của Vĩnh Phúc nổi tiếng gần xa, năm nay còn có thêm các gương mặt của lớp trẻ kế nghiệp lớp già đã chuẩn bị các tiết mục hát trống quân ở sân đình trong đêm hội.