Non nước Việt Nam

Đảo Phú Quý (Bình Thuận): Điểm du lịch mùa hè cho du khách

Cập nhật: 24/03/2010 10:20:15
Số lần đọc: 4193
Gần như tiềm năng du lịch chưa được đi vào khai thác trên huyện đảo, chưa một tour du lịch nào đưa khách ra Phú Quý. Cách duy nhất đến vùng đất được mệnh danh là hòn đảo tiền tiêu này là quảy ba lô đến cảng Phan Thiết. Từ đó, theo tàu khách ra Phú Quý. Mỗi tuần có ba chuyến tàu ra đảo, nếu biển êm chỉ mất 6 tiếng là đến đảo.

Đảo tiền tiêu an lành và thân thiện !

Tuy nhiên du khách có thể đi vào mùa hè sẽ rất tốt vì nhiều thú vui cho du khách khám phá mà không nơi nào có được, cảm giác bị sóng đày đọa sẽ tan biến khi du khách đã đặt chân đến đảo. Đảo Phú Quý là một đảo nhỏ có khí hậu trong lành, có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy... với những dải cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích; bao quanh đảo là 9 hòn đảo nhỏ như Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng... là những điểm du lịch sinh thái biển đầy hấp dẫn. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú nhiều chủng loại, ấn tượng với Phú Quý là vẻ đẹp của những bãi biển, nước trong xanh vắng không bóng người. Còn gì bằng khi thả mình trong biển... như nguyên sơ... Đảo có đến 90% là ngư dân, cách ăn nói đầu sóng ngọn gió pha lẫn những âm vực của người miền trung lâu đời, nên khách lạ khó lòng hiểu đầy đủ câu chuyện mà dân Phú Quý nói. Bù lại  người dân trên đảo cực kỳ dễ mến, rất hiếu khách, mang đậm nét chất phát, mộc mạc của cư dân vùng biển.

Trên bờ có rặng dừa và rừng dương rợp bóng, lại có nhiều nước ngọt, làm mê hồn du khách khi đến đây! Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh như: “Chùa Linh Quang”, “Vạn An Thành” (được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) có mộ Thầy Nại, miếu Bà Chúa Chăm, núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ được tạo hóa bởi các tầng núi đá dựng đứng... đây là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch tín ngưỡng cho huyện nhà.

Phú Quý bây giờ đã có nhà hàng, đây là nhà hàng của một người con xứ đảo không ngần ngại bỏ ra trên 1 tỷ đồng xây dựng với “mục đích của tôi là mong tạo được hình ảnh Phú Quý thật tốt trong lòng khách phương xa. Bên cạnh những món ăn đặc sản như cá mú, tôm hùm, cua huỳnh đế, cá mập được nuôi ngay tại vùng biển sát nhà hàng, đáp ứng như cầu ẩm thực của khách du lịch, khách còn được bố trí tham quan công trình xây dựng kè lấn biển để nuôi hải sản, do dân tự bỏ vốn đầu tư …”- anh Dương Phùng Linh - Giám đốc Nhà hàng Long Vĩ, đã chia sẻ như thế.

Trong tình hình khủng hoảng kinh tế, và giao thông không thuận lợi, tuy nhiên lượng khách đến Phú Quý trong năm 2009 hơn 3000 lượt khách, con số này so với các địa phương khác trong tỉnh rất khiêm tốn nhưng đối với Phú Quý đó là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Tứ phương vô sự lầu

Đến Phú Quý, lên đỉnh núi Cao Cát tận hưởng làn gió mát rượi từ biển, nhìn tứ phía chỉ có biển khơi, cư dân Phú Quý ai cũng biết câu: "Tứ phương vô sự lầu”. Ý nói lên đến đỉnh núi, nhìn quanh ra biển, yên bình đến quên hết sự đời. Chữ "lầu” được lý giải đơn giản tượng trưng cho vị trí cao. Ngày rằm, đứng trên đỉnh Cao Cát, hướng ra biển phía hòn Đen, bên tay trái núi Cấm sẽ thấy hoàng hôn đang xuống dần, bên tay phải phía lạch Dù sẽ thấy trăng tròn đang từ từ lên cao, cứ như được hòa mình với đất trời.. Xa xa là Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Trào, Hòn Đen… bao quanh đảo như một quần thể kiến trúc của thiên nhiên để đảm bảo cho Phú Quý ngăn được bão biển.

Anh Trần Quốc Nguyên,  du khách đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM  chia sẻ các hoạt động anh đã “ta ba lô” hành trình ra đảo, anh cho biết:  “Ngoài các danh lam thắng cảnh đẹp của Phú Quý, vào ban đêm khi thủy triều xuống du khách có thể đi soi tôm, những chú tôm búng lên mặt nước du khách có thể dùng vợt để bắt tôm và cá, sau đó nhóm lửa tại bãi biển để chế biến thưởng thức món hải sản do mình đánh bắt, du khách có thể cắm trại đêm ngay trên bãi biển hoặc du khách có thể tản bộ ngoài bãi biển ngắm trăng sáng, ánh trăng soi dưới mặt nước biển tạo nên khung cảnh thật lãng mạn thơ mộng về đêm của đảo Phú Quý, ban ngày du khách có thể cùng ngư dân địa phương dùng thuyền chạy sang hòn Tranh để đánh bắt cá và tự mình chế biến những chiến lợi phẩm vừa thu được của mình”.

Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên và con người, Phú Quý cũng nổi danh với những loại hải sản tươi rói từ biển. Một trong những đặc sản phổ biến là mực cơm, mực ống, mực thẻ, mực nang... đâu đâu cũng thấy trên đảo. Những hải sản khác từ tôm, cua, cá, hải sâm... đều phong phú. Giá cả rẻ dư làm hài lòng thực khách thích những món ăn đặc trưng của vùng đất lạ.

Hiện nay, du lịch Phú Quý vẫn còn ở dạng tiềm năng do chưa có sự đầu tư đúng mức. Trong đó vấn đề giao thông đường thủy cần có tàu cao tốc để rút ngắn thời gian ra đảo, mở thêm các chuyến bay, xây dựng tuyến du lịch… đây đang là trở ngại lớn nhất để du lịch Phú Quý trở mình. Tuy nhiên Chính quyền đã có những chính sách gì ưu đãi cho các nhà đầu tư theo Quyết định số 14 của Thủ tướng chính  về phê duyệt đề án Khu kinh tế đảo Phú Quý. Về lâu dài, huyện cần quy hoạch lập dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đảo. Ưu tiên dự án đầu tư vào du lịch... Với lợi thế hiện có, Phú Quý là điểm đến tham quan du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch thể thao, câu cá trên biển và du lịch văn hóa lịch sử...

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT