Hành trang lữ khách

Trẩy hội Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)

Cập nhật: 31/03/2010 14:03:07
Số lần đọc: 3232
Về Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) những ngày này, du khách không những được thả mình trong sắc xuân của chốn văn hiến xứ Đông mà còn được hòa vào không khí lễ hội náo nức.

Văn miếu Mao Điền là nơi tôn vinh văn hiến tỉnh Đông. Ngày trước nơi này là trường thi, lựa chọn hiền tài cho đất nước. 


Văn miếu Mao Điền tọa lạc giữa cánh đồng xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng), cách TP Hải Dương 16 km về phía tây, cách Hà Nội 42 km về phía đông cạnh quốc lộ 5. Mùa xuân, di tích hiện ra giữa sắc xanh của lúa đồng. Tam quan được lấy nguyên mẫu mô hình, kích thước của tam quan Văn miếu-Quốc Tử Giám. Cổng chính thiết kế hai tầng, tám mái, rồng, phượng cách điệu, ba cửa vòm nhỏ phía trên, một cửa vòm lớn phía dưới. Phía trước được trang trí các họa tiết cùng 5 bức tượng nhỏ, người thì bảo đó là 5 nho sinh trước lúc vào trường thi, người lại bảo đây là Đức Khổng Tử cùng tứ phối (bốn học trò tiêu biểu). Tam quan cùng dãy tường bao thiết kế theo lối chữ "Thọ", biểu tượng của sự trường tồn, tạo khuôn viên cân đối.


Qua nghi môn là vào nơi lễ nghĩa, chốn tinh hoa. Hai dãy nhà bia tả, hữu sẽ đặt 12 tấm bia lớn khắc tên tiến sĩ trấn Hải Dương xưa để muôn đời chiêm bái. Trong 185 kỳ thi (1075-1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương chiếm 637 vị, trong 46 Trạng nguyên, Hải Dương có 12 người. Quả hiếm có vùng đất nào mà hiền tài nhiều thế!.


Trước cửa văn miếu có giếng Thiên Quang trong vắt. Ngoài tạo cảnh quan, theo thuyết âm dương giếng còn thu tụ linh khí đất trời. Một cây cầu đá trạm tứ quý, tứ linh bắc ngang là nơi để du khách dừng chân cảm nhận, ngắm cảnh. Từ đây, không gian kiến trúc lần lượt trải ra: gác chuông, gác trống, tháp bút, đài nghiên, bái đường, hậu cung, giải vũ (tây vu, đông vu), nhà Khải Thánh (thờ thân phụ, thân mẫu Khổng Tử).


Trước sân, cây gạo cổ thụ 200 tuổi sừng sững soi bóng Thiên Quang. Cây gạo có từ thời Tây Sơn, đánh dấu sự kiện tái thiết Văn miếu Mao Điền. Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng vào thời Lê Sơ, thế kỷ XV, tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Cùng thời điểm, trường thi hương tại xã Mao Điền (Cẩm Giàng) được xây dựng để vun đắp hiền tài. Đến năm 1801, thời Tây Sơn, văn miếu được chuyển từ xã Vĩnh Lại về trường thi hương để thuận tiện cho việc quản lý của trấn. Từ đó nơi đây trở thành trung tâm học tập, tế lễ Khổng Tử. Hằng năm, cứ ngày 18 tháng hai và tháng tám âm lịch, trấn Hải Dương tổ chức lễ hội
nêu cao truyền thống hiếu học. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 17 đến 19-2.


Về chốn này, ta dành ít phút dừng chân bên gác chuông, gác trống để nghe lại tiếng chuông, tiếng trống tập hợp học trò xưa. Thăm hai dãy tả vu, hữu vu, nơi cất giữ những cổ vật đèn sách, những áng văn chương của danh nhân xứ Đông. Sừng sững trước đền chính là đài nghiên, tháp bút đắp rồng cao 5m. Phía sau là bái đường và hậu cung, mỗi tòa được thiết kế 7 gian, mái chồng diêm, chạm trổ hình rồng, phượng tinh xảo, chân cột đá hình quả găng. Mỗi nét kiến trúc là một biểu tượng văn hóa, tinh hoa dân tộc được kết tụ khiến ta yêu mến. Chính giữa bái đường có bàn thờ đặt chiếc lư hương cổ bằng đá, chiếc khánh đá có niên đại từ thời Tây Sơn, đôi đầu tường treo bảng ghi tên 637 vị tiến sĩ trấn Hải Dương xưa. Trước kia, bái đường là nơi bái lễ của các bậc quan trường, đầu trấn. Nay là nơi để du khách thành kính thắp nhang tưởng nhớ tiền nhân. Trong hậu cung đặt tượng thờ và linh vị Khổng Tử cùng 8 vị đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến: Anh hùng dân tộc-Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Nhà giáo của muôn đời Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thần toán Vũ Hữu, Đại danh y Tuệ Tĩnh, Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.


Rời bái đường và hậu cung, du khách còn được đắm mình vào thiên nhiên cây cỏ. Trong vườn văn miếu có nhiều cây cổ thụ, nhãn, vải, xoài, mít đang trổ hoa. Đan xen là những tán tùng, bách mới trồng đã vươn mình trong  bụi mưa xuân. Từ vườn văn miếu, nhìn về phía đông sẽ thấy cánh đồng Tràng ngút ngát, vốn là trường thi hương xưa. Thời nhà Mạc, Thăng Long bất ổn, nơi đây đã được chọn tổ chức 4 khoa thi Hội. Cũng nơi đây, khoa thi năm Ất Mùi (1535), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ đầu cả ba kỳ: hương-hội- đình. Có người nói, trên cánh đồng, cảnh sĩ tử lục tục lều chõng cho kỳ ứng thí vẫn đang tái hiện.


Thời gian, binh biến, đã làm cho di tích nhiều phần hư hỏng. Lô cốt thời Pháp phía sau văn miếu là vật chứng một giai đoạn lịch sử đau thương. Năm 1991, UBND xã Cẩm Điền cùng nhân dân tu bổ di tích. Năm 2002, UBND tỉnh thực hiện trùng tu lớn. Đầu năm nay, UBND tỉnh quyết định mở rộng khu di tích Văn miếu Mao Điền với tổng diện tích hơn 5 ha. Rồi đây các hạng mục: đắp núi Tam Sơn tạo điểm nhấn và thế đất huyền vũ, trồng vườn cây lưu niệm tiến sĩ xứ Đông trên núi, xây dựng đường nghinh thần, thư viện chuyên đề danh nhân văn hóa xứ Đông, bảo tàng giáo dục và đào tạo tỉnh, nhà Học hiệu tại cánh đồng Tràng sẽ lần lượt xây dựng. Về lâu dài, Văn miếu Mao Điền sẽ trở thành trung tâm hoạt động văn hóa và khoa học của tỉnh. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992, Văn miếu Mao Điền với bề dày lịch sử, ý nghĩa văn hóa, hằng năm thu hút hàng vạn lượt khách tìm thăm. Trong những năm gần đây, lễ hội xuân được tổ chức quy mô lớn với các làng khoa bảng tiêu biểu của tỉnh về tế tôn vinh tiến sĩ của làng, biểu diễn trống hội, lễ chữ và nhiều trò chơi độc đáo. Về đây những ngày này du khách không những được thả mình trong sắc xuân của chốn văn hiến xứ Đông mà còn được hòa vào không khí lễ hội náo nức.

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục