Làng Dương Lôi (Bắc Ninh) - Nơi có nhiều di tích lịch sử quốc gia
Làng Dương Lôi xưa là vùng đất Đông Ngàn( thuộc châu Cổ Pháp xưa), một vùng đất màu mỡ phì nhiêu, mang đậm bản sắc văn hoá dân gian Bắc Bộ. Đặc biệt, nó còn gắn liền với sự ra đời và tuổi thơ của Lý Công Uẩn. Tương truyền, trong một đêm mưa gió,ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974) Lý Công Uẩn ra đời tại xóm Đường Sau. 27 năm sau, cậu bé được sinh ra tại quán nhỏ xóm Đường Sau làng Diên Uẩn ấy chính là vua Lý Thái Tổ - vị vua sáng nghiệp cho 216 năm cường thịnh trong lịch sử nước nhà, khai sáng nền văn minh Đại Việt và tạo dựng lên kinh thành Thăng Long.
Thời Bắc Thuộc Dương Lôi thuộc Hương Diễn Uẩn, châu Cổ Pháp, quận Giao Chỉ, vào thời Tiền Lê, cây gạo trong làng bị sét đánh, khiến thân cây hiện ra bài sấm ngữ. Năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế, kể từ đó làng Dương Lôi ra đời, “Lôi” có nghĩa là “Sấm” nên dân làng trong vùng thường gọi là là “kẻ Đình” hay làng “Đình Sấm”.
Với bề dày lịch sử, làng Dương Lôi hiện còn rất nhiều các di tích quý giá: Đền Sấm, chùa Cha Lư, chùa Càn Nguyên, đền thờ Lý Thánh Mẫu… Nằm trên dải đất cao đẹp ở phía Đông Nam, làng Dương Lôi nổi tiếng với một ngôi đình được xây dựng vào thời Lê năm 1626, thờ than Mẫu vua Lý Công Uẩn. Phía sau đình là chùa Cha Lư ( Minh Châu) với bình diện kiến trúc theo kiểu chữ quốc ngữ ( nội công ngoại quốc), qua nhiều lần tu sửa nay chỉ còn lại nhà Tổ giáp với chính điện ở phía sau hồi. Tại đền Miễu, làng Dương Lôi, nay thờ bà Phạm Thị và 8 vị vua nhà Lý, truyền rằng sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Lý Thái Tổ đã xuôi thuyền theo đường sông về quê, cho dân làng tiền vàng để xây dựng đền Miễu thờ thân Mẫu. Đền được xây dựng ở khu đồng Miễu cách xóm Sau, nơi sinh ra vua khoảng 500m.
Hiện nay, Làng Dương Lôi có một hệ thống di tích lịch sử văn hoá phong phú. Nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật : 8 ngai vua, 8 bài vị, 9 đạo sắc phong, chuông đồng, bia đá…Làng Dương Lôi, nay còn 5 xóm, 30 dòng họ, 765 hộ và 3.800 khẩu, với sự phát triển của công nghiệp hoá, hiện nay làng đã có nhiều đổi mới, kinh tế phát triển, nhiều các khu công nghiệp được mọc lên.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Dương Lôi không những đóng góp về kinh tế mà góp phần bảo tồn những di sử quý giá cho nhân loại. Năm 1993 là 2 bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá chùa Cha Lư và đình Dương Lôi, năm 2009 làng được đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia đền Miễu.
Dương Lôi là làng truyền thống với “lò vật” nổi tiếng ở vùng Cổ Pháp, ngày nay, trong những ngày hội làng, xới vật bao giờ cũng sôi động và thu hút nhiều du khách tứ phương. Cứ đến 12 tháng 2 hàng năm, để tưởng nhớ ngày sinh của Lý Công Uẩn, hội làng được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian: cờ tướng, chọi gà, hát quan họ dưới nước, trên đình thi nấu cơm, têm trầu cánh phượng, tổ tôm điếm…
Hiện nay, nơi quê hương của Lý Công Uẩn đang từng ngày thay da đổi thịt, nhà cao tầng san sát, nhiều khu công nghiệp nối tiếp nhau mọc lên… Vừa qua, ngôi chùa Cha Lư được tu bổ với trị giá trên 750 triệu đồng trong niềm vui hân hoan của đông đảo quần chúng nhân dân. Ông Nguyễn Văn Quảng, phó ban tuyên truyền, di tích Phường Tân Hồng cho biết: “Tháng 4 năm 2010, Tỉnh Bắc Ninh sẽ cho trùng tu lại toàn bộ đền Miễu, với quy mô 9 gian, trị giá 200 triệu đồng, Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.