Lễ hội Đền Hùng năm 2010: Tôn vinh văn hóa dân tộc
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc; in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta.
Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 người con theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt
Năm 2010, ngày giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với một qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của lễ hội lần này phải thể hiện được sự tôn vinh văn hoá dân tộc, khẳng định được vị trí và ý nghĩa to lớn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đoàn kết các dân tộc. Chính phủ chủ trương 63 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức lễ dâng hương, có tổ chức các hoạt động văn hoá tuỳ theo từng tỉnh, nhưng không quá 2 ngày.
Tại Phú Thọ, ngày 14/4 (tức mùng 1/3 Âm lịch), Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tiến hành đồng thời với khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII với chủ đề Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương. Trọng tâm của Lễ hội Đền Hùng là Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7h ngày 23/4 (10/3 âm lịch) tại Điện Kính Thiên với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, triển lãm, thể thao, du lịch và các trò chơi dân gian tiêu biểu... sẽ diễn ra liên tục suốt 10 ngày của Lễ hội (từ ngày 14/4 - 23/4) tại thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, lễ hội năm nay có nhiều điểm mới. Đây là một trong những lễ hội lớn mở màn cho các hoạt động quan trọng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Vì thế, một trong những điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề: Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng. Chương trình sẽ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 21/4 (8/3 âm lịch).
Dự kiến giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2010 sẽ thu hút khoảng 5,5 triệu lượt khách tham gia. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, đồng Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2010, tỉnh đã có phương án đảm bảo cảnh quang lễ hội sạch đẹp, tránh tình trạng hàng quán lộn xộn, các trò chơi cờ bạc trá hình và giữ an ninh trật tự. Công tác tiếp đón nhân dân từ khắp nơi đổ về cũng đã được lên phương án chu đáo.
Bà Nguyễn Thị Kim Hải cho biết: “Phương án ăn, ngủ, nghỉ, bố trí các nhà hàng, khách sạn để phục vụ nhu cầu khách sẽ đáp ứng đến mức tối đa. Phú Thọ vinh dự thay mặt cho đồng bào cả nước, giữ gìn trông coi Thái miếu Tổ tiên để đón đồng bào cả nước, đón kiều bào ở nước ngoài mở một cuộc hành trình tâm linh về với tổ tiên, cội nguồn dân tộc”.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương - ngày hội hướng về nguồn cội của dân tộc đang đến gần. Trong những ngày này, bên cạnh việc hành hương về đất Tổ, thiết nghĩ, điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm, đó là thực hiện lời dạy của Tổ tiên rằng “Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp, phồn vinh, phát triển”.