Hành trang lữ khách

Hát Xoan - Văn hóa thời Hùng Vương

Cập nhật: 06/04/2010 09:04:43
Số lần đọc: 2827
Hát Xoan Phú Thọ là loại hình nghệ thuật lưu giữ những dấu tích âm nhạc từ rất sớm của người Việt. Có nhiều truyền thuyết về sự xuất hiện của hát Xoan nhưng hầu hết đều khẳng định rằng hát Xoan có từ thời các vua Hùng.

Sức sống mãnh liệt

 

Theo "Truyền thuyết Hùng Vương," hát Xoan có từ thời dựng nước. Các nghệ nhân thôn Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì còn kể rằng ngày xưa, ba anh em Vua Hùng đi tìm đất, qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại một khu rừng gần thôn.


Từ khu rừng, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy có đám trẻ chăn trâu vừa chơi, vừa hát, vừa đánh vật, kéo co. Thấy vậy, Đức Thánh Cả liền bảo những người đi theo đem những bài hát mà họ biết dạy thêm cho lũ trẻ.


Về sau cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân làng làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và thịt bò cúng vào buổi chiều ở miếu Lãi Lèn để thờ Đức Thánh (vì ngày xưa Đức Thánh đi qua, thôn dân đã đãi hai món đó).


Tới ngày mồng hai, mồng ba tháng Giêng thì dân Phù Đức mở hội cầu, trong hội cầu họ diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở bãi. Lệ hàng năm phải hát xướng, cầu chúc bắt nguồn từ sự việc ấy. Thế nên, hát Xoan còn được gọi là ca Xoan, hát Lãi Lèn.


Qua truyền thuyết có thể thấy rằng các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn bán sơn địa thuộc trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Các địa điểm có hát Xoan hoặc có liên quan đến hát Xoan đều có tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng và các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, Nguyệt Cư và các con rể, tướng lĩnh thời Vua Hùng.


Hát Xoan được dùng làm nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội của làng để cầu trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân trăm họ. Nó mang đầy đủ tính chất của nền văn hóa cội nguồn và cổ xưa nhất.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương: "Xoan là một thực thể nghệ thuật đa thành phần với diễn xướng hội tụ nhiều thành tố dân ca, ca múa dân gian. Chính điều này đã gạt bỏ được tính đơn điệu và lặp lại để tạo nên sức hấp dẫn của Xoan... Điều khác biệt với các dân ca nghi lễ khác là Xoan đã cấy cắm hạt giống ở một số làng xã mà Xoan giữ cửa đình, tạo nên một sự nhân giống, phát triển vào địa phương, đem lại nét Xoan, chất Xoan cho văn hóa địa phương."

Như vậy, hát Xoan có những nét tương đồng nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố mang tính địa phương. Đó chính là những điểm tạo nên sự riêng biệt và giá trị di sản nhân loại của hát Xoan.


Xoan không chỉ được biết đến trong nước mà còn vươn xa và hội nhập với các nước trong khu vực. Chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật hát Xoan Phú Thọ đã thu hút sự chú ý và cổ vũ nhiệt tình của giới nghiên cứu văn hóa dân gian quốc tế và khu vực cùng đông đảo khán giả các nước nó ghé thăm như Thái Lan, Hàn Quốc...


Những giai điệu mượt mà, tươi vui dí dỏm của Xoan đã chinh phục hàng ngàn khán giả bằng những tràng pháo tay không dứt và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè.


Tồn tại vì được nhân dân yêu mến và trân trọng


Xoan đã sống và tồn tại suốt chiều dài lịch sử đất nước là vì cộng đồng nhân dân yêu mến, trân trọng.

 

Chúng tôi đến xã Kim Đức - quê gốc của Xoan từ thời Vua Hùng khi Hội văn nghệ dân gian Việt Nam chuẩn bị trao tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan cho 16 cụ tuổi đời 65 đến 90 tuổi.

 

Các nghệ nhân này là những báu vật sống vô cùng quan trọng. Họ lưu giữ trong trí nhớ một kho tàng vô giá về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật diễn xướng. Bao năm qua, các nghệ nhân này đã có công rất lớn trong việc truyền dạy hát Xoan cho nhiều thế hệ con cháu, đặt nền tảng vững chắc cho hát Xoan tồn tại và phát triển đến hôm nay.


Đến nay, xã có 22 nghệ nhân được chính thức công nhận là nghệ nhân hát Xoan. Kim Đức đã thành lập câu lạc bộ hát Xoan từ năm 1998 với số lượng ban đầu 30 người tham gia. Năm 2005, câu lạc bộ này được tách ra thành ba phường Xoan là Kim Đới, Phù Đức và Làng Thét. Đến nay, đã có 200 người của ba thế hệ hát Xoan tham gia các phường.


Một vài năm trở lại đây, ở Kim Đức, các trường học từ mầm non, tiểu học đến trung học đều được dạy hát Xoan.


Từ năm 2005, xã đã thành lập được 12 tổ hát Xoan trong khu dân cư. Xoan phát triển ra toàn dân với tính cộng đồng cao. Các phường Xoan tự đứng ra truyền dạy. Thường thì vào buổi tối lúc nông nhàn, trùm phường và một số cụ cao tuổi tập hợp các cháu tại nhà cụ trùm và dạy múa hát Xoan.


Bà Lê Thị Hữu Hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì cho biết hiện Việt Trì đã có sáu câu lạc bộ hát Xoan. Thời gian tới Việt Trì sẽ phổ biến hát Xoan đến tất cả các trường học, phường xã trên địa bàn thành phố.


Tuy nhiên, cũng như một số loại hình dân ca khác, Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến đổi. Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Đức, số lượng nghệ nhân đã mất đi rất nhiều so với những năm 60 của thế kỷ 20. Hơn nữa, đã có nhiều lối hát bị lãng quên hoặc nhớ không chính xác kể cả ở lớp nghệ nhân từ 80 tuổi trở lên.


Trong quá trình truyền dạy, do tuổi cao, trí nhớ giảm nên sự truyền dạy của các nghệ nhân đôi khi sai lệch, nhiều làn điệu không còn nguyên gốc. Công cụ truyền dạy chủ yếu dựa vào trí nhớ và các bài Xoan truyền tay chép lại từ người này sang người khác. Điều đó không tránh khỏi "tam sao thất bản."


Cũng theo ông Bằng, điều kiện kinh tế và cơ chế hiện nay tại các địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hát Xoan. Đa số chính quyền địa phương đều rất quan tâm ủng hộ di sản Xoan của quê mình, tuy vậy không có khoản tài chính nào để dành cho Xoan hoạt động.

 

Tại các phường của xã Kim Đức, mỗi năm xã ủng hộ một số tiền để làm lễ đầu năm, cuối năm và hỗ trợ phương tiện khi phường đi hát xa làng. Việc truyền dạy hoàn toàn không có kinh phí. Các nghệ nhân tự tập hợp con cháu trong làng để dạy hát, không có thù lao, miễn sao hát Xoan còn có người học mà giữ lấy.


Hát Xoan không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể của cư dân vùng trung du Phú Thọ mà còn là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử, giá trị về văn hóa, giá trị về nghệ thuật, hát Xoan Phú Thọ cần được bảo tồn, gìn giữ phổ biến và phát triển để loại hình dân ca này có sức lan toả mạnh mẽ và trường tồn cùng thời gian, xứng đáng với vị trí của nó trong nền âm nhạc dân tộc.


Thời gian tới, hát Xoan có thể sẽ được bảo vệ ở tầm quốc tế khi cuối tháng 3/2010, Chính phủ đã cho phép gửi hồ sơ tới UNESCO đề tổ chức này công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục