Hành trang lữ khách

Mùa lễ hội Hải Dương

Cập nhật: 06/04/2010 10:04:53
Số lần đọc: 4253
Nhắc đến lễ hội ở Hải Dương mọi người thường nghĩ ngay đến lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc; lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà; lễ hội truyền thống làng tiến sĩ Mộ Trạch mồng 08/01 âm lịch (huyện Bình Giang)...

Mỗi khi mùa xuân đến, Hải Dương lại tưng bừng diễn ra những lễ hội mùa xuân đặc sắc, độc đáo. Nhắc đến lễ hội ở Hải Dương có lẽ không thể không kể đến lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng Giêng âm lịch. Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khu di tích Côn Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu tích văn hoá đời Trần và những giai đoạn lịch sử kế tiếp, tiêu biểu như chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên, Ngũ Nhạc Linh Từ, Thạch Bàn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán. Chỉ một lần đến khu di tích Côn Sơn vào buổi sáng, dạo theo lối mòn từ đền Nguyễn Trãi đến đền Trần Nguyên Đán, toàn cảnh chùa Côn Sơn, hồ Côn Sơn và đền Nguyễn Trãi hiện ra thật mờ ảo, khuất sau những đám mây bảng lảng đầy hơi sương mát lạnh, bầu không khí mát lành trong vắt không chút bụi trần sẽ tạc vào lòng ta những ấn tượng khó quên. Đứng giữa cảnh non nước mây trời, bao nhiêu lo toan nhọc mệt của cuộc sống như tan biến, ta hoà mình với thiên nhiên, thưởng thức không khí trong lành, tâm hồn nhẹ nhõm, thư thái. Đầu năm, về Côn Sơn ta dâng hương niệm Phật, tưởng nhớ Ức Trai và ngoạn cảnh, tiêu dao. Để ở đó, con người được hưởng thụ khí trời trong mát, với hương rừng, gió núi và tiếng ca muôn thuở của suối chảy, thông reo; được đắm mình trong hồn thiêng sông núi, trong cổ tích ngàn năm còn rung động trái tim của muôn triệu con người. Cách khu di tích Côn Sơn 7 cây số, đền Kiếp Bạc là nơi đặc biệt thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Khu di tích lịch sử Kiếp Bạc có một di tích trung tâm, lớn nhất, linh thiêng nhất là ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Anh hùng dân tộc. Du khách về hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc để lễ Cha, để tham quan di tích lịch sử và để cầu mong một năm mới an lành.


Ngoài lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà cũng rất thu hút du khách bởi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn có những trò chơi dân gian cực kỳ phong phú. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng, tại sân các nhà văn hóa thôn đã chật cứng người. Các cụ già mặc áo the, khăn xếp, các bà đi chùa mặc áo nâu, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống của lễ hội, ai nấy đều hân hoan, tham gia đám rước. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa. Nổi bật trong những trò chơi dân gian lễ hội chùa Hào là hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải, đây là một nét đẹp văn hoá. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Hội thi bơi chải thường gắn liền với phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông. Những hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi này, cùng với hội bơi chải truyền thống đã làm nên nét văn hoá độc đáo cho lễ hội chùa Hào.


Quê hương Hải Dương còn rất nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân như lễ hội truyền thống làng tiến sĩ Mộ Trạch mồng 08/01 âm lịch (huyện Bình Giang), hội đền Yết Kiêu mồng 08/02 âm lịch (huyện Gia Lộc), hội chùa Thanh Mai từ 01 đến 03/3 âm lịch (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh), hội chơi pháo đất từ 1 đến 29/3 âm lịch (xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ), hội Thượng Cốc 12/01 âm lịch (làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc), hội chùa Giám 14/2 âm lịch (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng), lễ hội Đền Cao 22 đến 24/01 âm lịch… Lễ hội mùa xuân như níu kéo chúng ta, những con người hiện đại với truyền thống văn hoá dân tộc. Mọi  người tìm lại nét văn hoá xưa trong lễ rước trang nghiêm, trong trò chơi dân gian. Trở về sau ngày lễ hội, lòng du khách ngập tràn niềm vui và tin tưởng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cùng năm mới.

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục