Hấp dẫn du lịch làng nghề gốm sứ
Về với làng nghề gốm sứ Đông Triều
Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp gốm sứ Đông Triều, hiện nay trên địa bàn huyện có 10 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ, tập trung chủ yếu tại các xã Yên Thọ, Xuân Sơn, Bình Dương, Vĩnh Hồng, Đức Chính. Ngoài ra, huyện còn có 6 điểm để du khách trong và ngoài nước dừng chân chiêm ngưỡng sản phẩm. Đó là: Sứ Thái Hùng ở xã Yên Thọ; sứ Long Hải, gốm Việt ở Mạo Khê; sứ Đông Triều ở Kim Sơn; sứ Đông Thanh ở xã Đức Chính và sứ Thành Đông ở Bình Dương. Trung bình hằng năm, các điểm dừng chân này thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, góp phần nâng tỷ trọng thu ngoại tệ trên địa bàn huyện lên gần 5 triệu USD trong năm 2009 và 3 tháng đầu năm 2010 gần 2 triệu USD.
Gốm sứ Đông Triều có đặc trưng là dòng nặng lửa (nung trong lò bầu hoặc lò ga có nhiệt độ trên 1.250oC thì nước men mới chảy). Các sản phẩm nung lò bầu thì đều có kích cỡ to mà lò ga không thể nung được. Ưu điểm nữa là độ bền cơ học và độ bền hoá học của men rất lâu bởi hoa văn được trang trí dưới men... Do vậy, khác với các làng nghề khác, sản phẩm từ làng nghề gốm, sứ Đông Triều được khách hàng quan tâm và là một trong những làng nghề đặc trưng của Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Công Lệnh, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Đông Triều: Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp và lò gốm sứ tư nhân ở Đông Triều sản xuất và đưa ra thị trường khoảng trên 5 triệu sản phẩm gốm sứ các loại. Hai làng nghề Trạo Hà (Đức Chính) và Vĩnh Hồng (Mạo Khê) có lịch sử sản xuất gốm sứ hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, ở Đông Triều còn có thêm các làng nghề mới như mây tre đan truyền thống, thêu móc sợi xuất khẩu của Công ty TNHH Hải Tân... Các làng nghề đã góp phần thu hút hàng vạn lao động nông nhàn có việc làm ổn định. Quay trở lại chuyện gốm sứ, ông Lệnh cho biết, khi làng nghề gốm sứ Đông Triều vươn lên sản xuất hàng xuất khẩu cũng là lúc lọt vào tầm ngắm của ngành Du lịch và trở thành điểm đến của các hãng du lịch lữ hành.
Đến thăm khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm gốm sứ cao cấp và đồ mỹ nghệ tại một điểm dừng chân trong hệ thống làng nghề gốm sứ Đông Triều, điều chúng tôi cảm nhận là chỉ ở một điểm nhưng đủ giúp cho khách nắm bắt được các hoạt động sản xuất làng nghề. Ngoài hàng trăm mẫu mã, sản phẩm có màu sắc, kiểu dáng và phong cách riêng của gốm sứ truyền thống Đông Triều, còn khá nhiều sản phẩm gốm sứ khác với kiểu dáng mỹ thuật hiện đại được giới thiệu cho khách tham quan du lịch. Đến đây, khách du lịch không chỉ được xem sản phẩm gốm sứ được làm từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, gốm sứ Đông Triều giờ đây còn được tô vẽ bởi những bàn tay... không chuyên nghiệp của du khách. Tuy nhiên, những tác phẩm nghiệp dư ấy lại có sáng tạo riêng, và trong đó có cả tâm hồn, tình cảm của du khách. Không phải ngẫu nhiên mà du lịch làng nghề được xem như một điểm để du khách tìm thấy nhiều bài học thú vị, ý nghĩa. Đó là bài học văn hoá sau mỗi sản phẩm tự tay họ làm ra.
Làng nghề truyền thống - phát huy để bảo tồn
Một trong những giải pháp phát triển du lịch làng nghề gốm sứ Đông Triều chính là việc giúp các cơ sở sản xuất phát triển mạnh lên. Đi đôi với điều đó cần làm tốt công tác quảng bá sản phẩm. Có như vậy, mới “hút” được du khách, cũng như các hãng du lịch lữ hành đưa làng nghề gốm sứ Đông Triều vào trong các chương trình tour. Theo đó, khách du lịch sẽ được tìm hiểu sâu về sản phẩm làng nghề và quy trình sản xuất... Tất cả những yếu tố trên chính là mối quan hệ giữa việc phát huy giá trị làng nghề và công tác bảo tồn một loại hình văn hoá đặc sắc. Được biết, nhiều năm nay, bằng hình thức huyện Đông Triều đã hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ trên địa bàn mở rộng các hình thức kinh doanh qua việc xây dựng các trang web giới thiệu làng nghề, tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm.
Tuy nhiên, hình thức phát triển làng nghề gắn với du lịch vẫn đang rất cần một cách làm chuyên nghiệp hơn. Theo đó, giữa các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng một quy hoạch cho làng nghề. Không dừng lại ở đó, bản thân người dân làng nghề phải ý thức hơn nữa về giá trị của việc gắn kết với du lịch để cùng phát triển. Tìm hiểu chúng tôi được biết, hướng đi của huyện Đông Triều đối với vấn đề này trong thời gian tới là xây dựng các thiết chế về du lịch làng nghề, phát triển các showroom du lịch làng nghề. Đồng thời kêu gọi các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; cũng như xây dựng hệ thống quản lý showroom sản phẩm làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch hiệu quả; đáp ứng các nhu cầu tìm hiểu về văn hoá truyền thống của du khách.