Hành trang lữ khách

Chợ tình Khau Vai - điểm hẹn của tình yêu đôi lứa

Cập nhật: 04/05/2010 09:05:21
Số lần đọc: 2550
Đến hẹn lại lên, đã thành thông lệ, trên vùng đất địa đầu cực bắc của Tổ quốc, cứ đến ngày 27/3 (âm lịch) hàng năm, một hoạt động văn hóa truyền thống lại sôi động trên quê hương Mèo Vạc. Đó là Lễ hội Chợ tình Khau Vai.

Dải đất biên cương đầy nắng và gió, với những nương đá bạt ngàn lại là quê hương của phiên chợ tình độc đáo và đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân vùng cao. Chợ tình Khau Vai thực sự là ngày hội không chỉ của riêng người dân Mèo Vạc, của người dân Hà Giang mà đã trở thành ngày hội, ngày gặp mặt của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.


Đến Mèo Vạc vào những ngày này, ai cũng cảm nhận được không khí nhộn nhịp tưng bừng của người dân địa phương trên mọi nẻo đường, họ đang chờ đón ngày 27/3 – ngày của phiên Chợ tình Khau Vai. Chợ tình Khau Vai, hay còn gọi là Chợ tình Phong lưu, là một hình thức sinh hoạt văn hoá phong tục độc đáo, chẳng những hiếm có ở Việt Nam mà có lẽ với cả trên thế giới. Cứ mỗi năm đến ngày 27/3 âm lịch, theo quy ước lâu đời, phiên chợ lại mở ra, không chỉ có lứa tuổi biết yêu đi tìm bạn tình, mà còn là ngày hội của mọi lứa tuổi, mọi gia đình, của những người đã từng yêu nhau song chẳng lấy được nhau.


Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa trên vùng đất Khau Vai có đôi trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau, nhưng không được gia đình, họ hàng làng bản hai bên ưng thuận. Và họ đã chọn cho riêng mình con đường đến với tình yêu đôi lứa là bỏ trốn khỏi bản làng để nương tựa nhờ núi rừng che trở. Thế nhưng trước mối tình của đôi trai gái, gia đình, họ hàng hai bên do hiểu lầm đã dẫn đến mâu thuẫn xô xát với nhau. Trước cảnh tượng thương tâm đó, dù hai người có thương yêu nhau nặng như sông, như núi, nhưng vì thương cha, thương mẹ, thương các anh, thương họ hàng và không muốn vì mình mà họ hàng dân bản phải mang thù hận, hai người đã gạt nước mắt chia tay nhau trở về bản. Yêu nhau mà chẳng thể thành đôi, để bày tỏ tình yêu sâu nặng nhưng đầy bi thương của mình, họ đã hẹn thề kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hàng năm nhớ ngày họ chia tay sẽ trở lại núi Khau Vai gặp nhau. Ngày ấy là ngày 27 tháng 3 âm lịch.


Cũng từ đấy, hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 3 âm lịch, Chợ Khau Vai đã trở thành ngày hò hẹn, gặp gỡ của những đôi trai gái có mối tình chắc trở không lấy được nhau. Chợ Khau Vai đã thực sự đã trở thành ngày hộị của các dân tộc huyện Mèo Vạc, là nơi giãi bày tâm sự, là thời điểm giao hoà giữa đất trời còn đọng lại nét xuân với thời tiết chuẩn bị sang hè, là hình thức xua đuổi cái hiu quạnh của một vùng núi tiếp núi, mênh mông, mờ mịt, như bắt con người quanh năm đắm chìm trong cuộc đời sơn dã. Chợ Khau Vai từ ngày xưa vẫn còn đó và mỗi năm lại thêm hương sắc mới do đời sống kinh tế - văn hoá của đồng bào nơi đây đang dần được cải thiện. Dù thiên nhiên nơi địa bàn cư trú có khắc nghiệt, nhưng - những con người nơi đây vẫn an vui cuộc sống, nuôi lòng hy vọng ở tương lai, luôn luôn ấp ủ trong lòng một tình yêu như lẽ sống, vì tất cả đều chờ đợi mỗi năm đến Chợ tình Khau Vai.


Chợ tình Khau Vai có từ năm 1919. Chợ họp trên một quả đồi của thôn Khâu Vai thuộc xã Khau Vai, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 24 km về phía Đông Nam. Theo tiếng Tày - Nùng, thì Khau Vai có nghĩa là “đèo mây”. Trước năm 1991, chợ Khau Vai họp một năm một phiên vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ không phải là nơi giao lưu buôn bán hàng hoá. Khái niệm chợ tình là biểu trưng cho sự họp mặt đông vui. Người ở các xã trong vùng đến chợ để vui Xuân, nhằm giao lưu tình cảm sau một năm hoặc nhiều năm xa cách. Vì vậy, Chợ tình Khau Vai còn gọi là chợ Phong Lưu. Chợ họp vào dịp cuối Xuân, là thời điểm ấm áp chỉ còn phảng phất cái rét nàng Bân duyên dáng và cũng là thời kỳ kết thúc các lễ hội mùa Xuân chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất Hè - thu.


Trước đây, người đến chợ Khau Vai không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu nên không lấy được nhau. Dù mỗi người đã có một mái ấm gia đình riêng, có người đã thành ông, thành bà, xa nhau 3 năm hay 5 năm thậm chí là 10 năm, mấy chục năm, nhưng nhớ đến ngày 27 tháng 3 âm lịch là họ lại gặp nhau tại chợ tình Khau Vai để tâm sự và kể cho nhau nghe về những nỗi buồn vui của gia đình và cuộc sống. Rồi hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca, bởi vì họ đã gửi gắm nỗi niềm nhớ nhung, tình thương giận hờn vào câu hát trĩu nặng nỗi lòng.


Ngày nay, Chợ tình Khau Vai còn là nơi hò hẹn của những đôi trai gáiđến chợ để vui Xuân và đi tìm bạn tình. Từ năm 1991 trở lại đây, do tình hình kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi và do cơ chế thị trường, cho nên chợ Khau Vai đã dần hình thành chợ phiên, theo lịch cứ 5 ngày họp một phiên. Chợ đã trở thành nơi trao đổi hàng hoá, với đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy vậy, nét độc đáo văn hoá truyền thống của Chợ tình Khau Vai ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm vẫn còn nguyên vẹn, người đến với chợ tình ngày càng nhiều, có khi lên tới hàng nghìn người. Chợ Khau Vai đã tạo nên bản sắc văn hoá riêng của huyện Mèo Vạc. Và chính nép đẹp văn hoá ấy đã trở thành sức mạnh đoàn kết và xây đắp mối quan hệ bền vững giữa các dân tộc trong cộng đồng.


Ngày nay nhắc đến Mèo Vạc là không chỉ nhớ đến Lễ hội Chợ tình Khau Vai,mà đã để lại trong lòng những du khách từng đến với Mèo Vạc về hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong trang phục truyền thống duyên dáng, qua các làn điệu hát dân ca và các điệu múa kiếm, múa sạp vô cùng tinh tế. Đến thăm Làng Văn hoá du lịch dân tộc Giáy, thôn Nà Trào, xã Tát Ngà để được thả mình sống với thiên nhiên, được trở về với với cuộc sống thôn quê đơn sơ mà mộc mạc của người dân vùng cao. Đồng bào Giáy, thôn Nà Trào vẫn còn bảo tồn gần như nguyên vẹn nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Một trong những nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu nhất là Lễ hội múa Trống để cầu mong trời đất cho năm mới được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhàno đủ, bản làn yên vui, gia đình êm ấm. Làng Văn hoá du lịch dân tộc Giáy được ra mắt nhằm khơi dậy trong nhân dân ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời đây cũng sẽ là điểm tham quan, du lịch đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số của du khách ...Cho đến thời điểm này mọi công tác tổ chức phục vụ cho Lễ hội Chợ tình Khau Vai đã được hoàn tất. Đảm bảo cho nhân dân và du khách bốn phương đến tham quan, du lịch tại Mèo Vạc và Khau Vai, sẽ được tận hưởng những ngày tươi vui nhất trong hương say của phiên chợ tình.


Lễ hội Chợ tình Khau Vai năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 3 âm lịch, tại trung tâm xã Khau Vai, trong buổi đầu khai hội với các tiết mục văn nghệ đặc sắc đằm thắm, mang đậm tính truyền thống của văn hoá vùng Đông Bắc do Đoàn nghệ thuật “Cao nguyên xanh”, các nghệ nhân dày công xây dựng. Cũng trong Đêm khai mạc, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc trưng của các dân tộc huyện Mèo Vạc, với những lời ca, tiếng hát, điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ bao đời nay. Tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những tình cảm ấm áp và chân thành của người Mèo Vạc.


Đến với Mèo Vạc, đến với Chợ tình Khau Vai trong những ngày này, du khách sẽ thưởng thức cảm giác ngây ngất trong men say của bát rượu Há ía, được thưởng thức hương vị ẩm thực đậm đà đặc trưng của người vùng cao, đó là bát thắng cố nóng hổi ăn cùng với mèn mén và bánh ngô nếp nướng đầu mùa. Ban đêm ngồi bên bếp lửa nghe tiếng sáo tỏ tình của các chàng trai người Dao, tiếng hát giao duyên của các đôi trai gái người Tày, người Nùng. Ban ngày ngồi bên gốc cây thông nghe tiếng khèn của các chàng trai Mông gọi bạn. Tất cả chắc chắn sẽ để lại trong lòng những ai đã từng lên Mèo Vạc, từng đến với Lễ hội Chợ tình Khau Vai, những dấu ấn không thể phai mờ và hy vọng sẽ còn đọng lại trong lòng mỗi du khách một mối tình với Mèo Vạc, với Khau Vai...

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục