Non nước Việt Nam

"Xên lẩu nó" - nét văn hóa bên dòng sông Mã

Cập nhật: 04/05/2010 10:05:24
Số lần đọc: 3343
Khi màu trắng tinh khôi của những cánh ban hòa mình với sắc vàng đượm của những chùm hoa Píp, cùng khoe sắc trên những cánh rừng Tây Bắc thì cũng là lúc tiếng trống, tiếng chiêng lễ hội “Xên lẩu nó” của đồng bào dân tộc Thái đen ở Sông Mã rộn rã vang lên...

Đến với đồng bào dân tộc Thái đen ở xã Chiềng Phung (Sông Mã), ta sẽ được hòa mình vào không khí sôi động cùng bà con trong lễ hội “Xên lẩu nó”, với sự góp mặt của hàng ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.


Không biết “Xên lẩu nó” có từ bao giờ, chỉ biết rằng cứ 3 đến 5 năm nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái đen ở đôi bờ Sông Mã lại mở ra. Tại “Xên lẩu nó”, mọi người được gặp gỡ chan hòa cùng người thân, bạn bè, mừng cho nhau một năm nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục con cháu làm những điều tốt và tham gia các trò chơi, điệu xòe truyền thống của dân tộc.

 

Ở lễ hội “Xên lẩu nó”, giúp cho cộng đồng củng cố đời sống tinh thần, tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước thử thách, khó khăn của cuộc sống; biết hướng thiện, tránh cái xấu, sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung thủy, vun vén gia đình, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà răn dạy, pháp luật cho phép.


Lễ hội “Xên lẩu nó” không chỉ thu hút được mọi người trong xã, ngoài xã mà còn thu hút cả người ở các tỉnh khác hay dân tộc khác tới tham dự lễ hội. Khi ánh mắt trời khuất dạng sau những dãy núi, là thời điểm không gian vỡ òa và sôi động bởi những tiếng trống, tiếng chiêng cùng những tiếng hát, tiếng hô với những điệu xòe pha chút men rượu sống dậy núi rừng. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng trống, chiêng có nhịp có điệu, không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ, dân tộc Thái hay Kinh, Dao hay Mông tay trong tay xòe hết mình, cứ vậy thâu đêm, tất cả quyện vào nhau, vai khoác vai, tay trong tay cùng điệu trống, chiêng... Hàng trăm người xếp hàng quanh ngôi nhà sàn háo hức, trò chuyện chờ đến lượt vào đánh trống, vào xòe hay vít cong cần rượu để cảm nhận không khí của lễ hội. Những chum rượu cần bao lần đổ nước vẫn chảy ngọt, mềm môi, đống lửa bao lần thêm củi, rực than hồng và rồi bao tốp người thay nhau đánh trống, gõ chiêng, nối rộng vòng xòe...


Ánh mặt trời dần tỏa sáng, thăm thẳm đường rừng, mọi người lại háo hức trở về với những nương ngô, thửa ruộng. Dư âm của một lễ hội sôi động sẽ mãi theo họ trong cuộc sống hằng ngày, giúp họ vượt qua những lo toan thường nhật để rồi cùng hẹn gặp ở tiếng trống, tiếng chiêng, điệu xòe và lời khắp rền vang núi rừng ở lễ hội lần sau.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT