Liên kết hợp tác phát triển du lịch sông- biển đảo đồng bằng sông Cửu Long
Nhìn từ tiềm năng
Sông nước đồng bằng mang về những sản vật hết sức phong phú để làm nên một “văn hóa ẩm thực” tuyệt vời. Sông nước làm hội tụ những khu chợ nổi, một loại hình chợ họp trên sông hình thành từ bao đời nay mang giá trị đặc trưng văn hóa miệt vườn của nền “văn minh lúa nước” trên vùng châu thổ này. Bên cạnh đó, từ xưa sông nước đồng bằng đã là một hấp lực để các lưu dân quần tụ, định cư và phát triển thành một cộng đồng các dân tộc mà chủ yếu là Việt – Hoa – Khmer - Chăm. Sông nước tạo nên những khu vực sinh thái với đa dạng sinh học đặc thù: Sinh thái miệt vườn (cù lao Thới Sơn - Tiền Giang; Vườn dừa - Bến Tre; An Bình - Vĩnh Long; Phong Điền - Cần Thơ…), sinh thái rừng tràm ngập nước (Láng Sen - Long An; Đồng Tháp Mười - Đồng Tháp; Trà Sư - An Giang; Lung Ngọc Hoàng - Hậu Giang...), sinh thái rừng ngập mặn ven biển (sân chim, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...)
Ngoài sông nước, vùng ĐBSCL còn có sinh thái biển - đảo. Với 3 mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển trên 700km, có thể tạm chia làm 2 khu vực: Từ Tiền Giang đến mũi Cà Mau đây là biển phía Đông, ở khu vực này biển không có đá ngầm, do có nhiều cửa sông nên cảnh quan rất đẹp, có bãi bùn tùy mùa: bãi biển Tân Thành (Tiền Giang), Thanh Phong (Thạnh Phú - Bến Tre – đầu cầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển), Ba Động (Trà Vinh), Hiệp Thành (Bạc Liêu), Khai Long (Cà Mau). Biển Cà Mau có hải đăng quốc tế đặt trên đỉnh Hòn Khoai; đặc biệt đất Mũi là điểm duy nhất của Việt Nam mà tại đây du khách được ngắm cảnh mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Từ mũi Cà Mau đến Kiên Giang là vùng biển phía Tây với nhiều tiềm năng du lịch. Vùng biển này nằm trong vịnh Thái Lan ít sóng lớn, có nhiều nguồn sinh cảnh biển, bờ biển thoai thoải cát trắng và nhiều hang động đẹp. Khu vực này có hàng trăm đảo và quần đảo gần bờ, được mệnh danh là Hạ Long phương Nam, có đảo Ngọc Phú Quốc đang được đầu tư để phát triển thành khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao mang tầm quốc tế.
Rất cần liên kết để phát triển
Tài nguyên là vậy, nhưng theo nhận xét đánh giá của các nhà nghiên cứu về du lịch thì tiến độ phát triển du lịch của ĐBSCL chưa xứng tầm với tiềm năng và vị thế so sánh của vùng bởi nhiều hạn chế như: hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, công tác thị trường, công tác xúc tiến quảng bá, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động, chưa khai thác và sử dụng đúng mức các giá trị tài nguyên sông nước- tài nguyên biển đảo… và có thể nói nhân tố chính dẫn đến tình trạng hạn chế, bất cập ấy là thiếu sự liên doanh, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, giữa khu vực với các địa phương liền kề (TP.HCM - các tỉnh miền Đông, Nam Trung bộ) và với các quốc gia tiểu vùng
Trong số 13 tỉnh, thành phố có 10 đơn vị đã ký kết hợp tác với TP.HCM, trong đó TP. Cần Thơ ký kết hợp tác với 10 tỉnh trong khu vực và TP.HCM, thủ đô Hà Nội. Điều này đã nói lên vai trò quan trọng của 2 thành phố trong việc liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là cung cấp nguồn khách làm đầu mối cho các tour lữ hành. Nhìn chung, việc liên kết và hợp tác trong thời gian qua chỉ mới mang lại cho du lịch ĐBSCL một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực: trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá... Nổi bật là du lịch ĐBSCL đã thể hiện liên kết hợp tác hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện du lịch lớn như: Liên hoan Du lịch ĐBSCL – Mekong Festival 2003 tại TP. Cần thơ, Mekong Festival 2006 tại An Giang, Năm du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008 và mới đây những ngày Du lịch và Văn hóa Mekong – Nhật Bản tại Cần Thơ 2009 và tại một số các hội chợ, triển lãm trong và ngoài khu vực.
Tháng 7/2009, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và vai trò đầu mối của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đại diện 4 Sở VH-TT & DL An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ đã chính thức ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch và tiến hành thành lập tổ điều phối chương trình (theo tinh thần Quyết định 492/QĐ/TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL).
Cuối năm 2009 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với ngành du lịch các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.HCM thực hiện chuyến khảo sát và xúc tiến quảng bá du lịch tại các tỉnh Kép, Siêm Riệp, TP. Sihanoukville và thủ đô Phnôm Pênh – Vương quốc Campuchia. Tại mỗi nơi đoàn đã tham quan, tìm hiểu tình hình hoạt động du lịch, các dự án quy hoạch đầu tư du lịch trên địa bàn đồng thời giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu tại ĐBSCL và TP.HCM; ký kết văn bản hợp tác du lịch tạo tiền đề cho việc mở rộng chương trình liên kết phát triển du lịch lâu dài giữa các địa phương của hai quốc gia láng giềng Việt Nam - Vương quốc Campuchia./.