Hoạt động của ngành

Hoàng Su Phì, từng bước quan tâm, đầu tư phát triển hoạt động du lịch

Cập nhật: 10/05/2010 09:05:14
Số lần đọc: 2931
Với sự nổi bật về những nương ruộng bậc thang thơ mộng, hình ảnh về những cây chè cổ thụ và những thiếu nữ Dao duyên dáng, đã tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất Hoàng Su Phì. Đó là những lời khen tấm tắc của không ít du khách đã từng một lần đến với huyện phía Tây, được thả hồn vào ánh nắng chiều trong tiếng rừng thông gieo vi vu.

Miền đất phía Tây nghe có vẻ trầm lặng, nhưng lại chứa đựng trong mình không ít những giá trị, tiềm năng du lịch đã và đang được địa phương xây dựng, khai thác để tạo nên lợi thế cho sự phát triển KT – XH nơi đây.


Đến với Hoàng Su Phì, vùng đất của12 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời. Với những điều kiện thiên nhiên, khí hậu đặc trưng, vùng đất này còn lưu giữ được rất nhiều những cánh rừng nguyên sinh và vẻ đẹp hoang sơ hiếm nơi nào có được. Xác định những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, từ năm 2007, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 20 về phát triển du lịch giai đoạn 2007 – 2010. Qua đó, huyện đã từng bước quy hoạch, hoàn chỉnh phát triển hệ thống du lịch, xây dựng các tua, tuyến, các điểm dừng chân. Thành lập tổ du lịch, cùng với việc triển khai bảo tồn và khai thác các giá trị văn hoá dân gian các dân tộc trên địa bàn và đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch…


Trên cơ sở đó, một việc làm được đánh giá cao, đó là huyện đã xây dựng biểu trưng của địa phương với hình ảnh ruộng bậc thang và cây chè cổ thụ. Có thể thấy rằng, do địa hình đặc trưng, cùng với truyền thống canh tác lâu đời, từ đó đã tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên cho Hoàng Su Phì với những hình ảnh ruộng bậc thang được coi là đẹp nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Đến nay huyện đã bước đầu xúc tiến việc khảo sát, lập đề án bảo tồn và giới thiệu hình ảnh ruộng bậc thang rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các tua du lịch đến những địa phương có ruộng bậc thang đẹp. Vì thế, nói đến Hoàng Su Phì, du khách trong và ngoài tỉnh sẽ nhắc ngay đến hình ảnh ruộng bậc thang. Đó cũng là lí do khiến cho nhiều du khách lựa chọn những chuyến du lịch đến với vùng đất phía Tây này.


Với sự quan tâm, đầu tư cùng với sự khuyến khích phát triển du lịch của các cấp, ngành chức năng nên từ năm 2007 đến nay, việc xây dựng và phát triển hệ thống làng văn hoá du lịch đã được quan tâm đầu tư. Trên cơ sở đó, làng văn hoá cộng đồng tại 4 thôn của xã Thông Nguyên do Công ty TNHH khám phá Khánh Hoà xây dựng đã ra đời với giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng. Cùng với đó là các làng văn hoá du lịch tại các xã như Hồ Thầu, Bản Péo, Nậm Ty, Nam Sơn và thị trấn Vinh Quang đã tạo ra một hệ thống tua du lịch văn hoá cộng đồng hấp dẫn trong huyện. Để khai thác có hiệu quả và bền vững, vấn đề môi trường đã được các địa phương quan tâm, chú trọng. Tại các làng văn hoá du lịch trên, đã có 148 gia đình được đầu tư làm nhà vệ sinh và nhà tắm, 3 thôn, bản được đầu tư làm nhà sàn cộng đồng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, nghỉ ngơi cho du khách. Các làng nghề truyền thống bước đầu được khôi phục như nghề rèn, dệt thổ cẩm, may và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ du lịch… Thông qua việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phát huy các giá trị truyền thống, đến nay toàn huyện đã ra mắt được nhiều đội văn nghệ dân gian, khôi phục nhiều lễ hội, các giá trị văn hoá, văn nghệ, trò chơi, các món ăn độc đáo.


Từ việc tạo điều kiện, cơ chế cho phát triển du lịch, đến nay Nhà nước và nhân dân cũng đã đầu tư gần 600 triệu cho cho hoạt động phát triển dịch vụ du lịch. Hệ thống giao thông trong huyện cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch… Với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu về hình ảnh địa phương, nên lượng khách đến với Hoàng Su Phì trong những năm qua đã tăng lên đáng kể.


Tính trong năm 2009, đã có trên 1.500 lượt khách đến với huyện. Phải nói rằng, với sự hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên nên Hoàng Su Phì đã và đang trở thành điểm đến của khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch có khả năng thanh toán lớn đến từ các nước châu Âu. Năm 2009, đã có trên 720 lượt khách nước ngoài đến với huyện. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2009 ước đạt trên 3,5 tỷ đồng…


Những kết quả đạt được bước đầu tuy chưa nhiều, nhưng có thể thấy được sự quan tâm, nhìn nhận và đề ra chủ trương đúng hướng của cấp uỷ, chính quyền huyện về việc phát triển du lịch. Từ đó, từng bước đầu tư, xây dựng và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn, là cầu nối, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển KT – XH trên địa bàn. Để có thể thúc đẩy phát triển du lịch những năm tới, ngoài sự đầu tư của các cấp, các ngành chức năng thì với huyện cần chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động này. Cần tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch, phát huy lợi thế của một địa phương nằm trên tuyến du lịch Lào Cai – Hà Giang và Cao Bằng.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục