Bún nước lèo Trà Vinh
Muốn nấu nước lèo người ta phải có nguyên liệu chính là mắm bò hóc. Đó là loại mắm làm bằng nhiều loại cá hỗn hợp. Với kỹ thuật riêng, người làm mắm phải đạt tiêu chuẩn: mắm có hương vị và tan nhanh trong nước sôi.
Để lấy nước ngọt, người ta dùng thêm các loại cá: lóc, kèo, tra, cá ngát hay tép cũng được. Để nấu, người ta làm cá thật sạch và cho vào nồi nước sôi, luộc chín. Cá chín vớt ra, gỡ xương thật kỹ rồi chà thịt cá cho tơi ra.
Mắm bò hóc cũng nấu trong nước sôi cho thịt mắm tan ra. Xong, đem lược xương thật kỹ. Sả, ớt và một ít củ riềng bằm nhuyễn trộn đều vô thịt cá cho thấm rồi cho vô nồi nước lèo, nêm thêm gia vị, chờ nước sôi, vớt bọt kỹ, giữ nóng.
Ăn bún nước lèo cần phải thêm rau ghém, gồm bắp chuối, rau muống bào mỏng, bông súng xắt mỏng theo chiều ngang trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa đào lộn hột, có người còn thích bằm thêm một ít đào cho vào rau ghém để có vị ngon hơn.
Cho bún vào tô, chan nước lèo thật nóng lên. Dĩa rau ghém ăn miếng nào trộn miếng nấy, chớ không dội nước lèo lên sẽ làm úa rau đi, mất ngon. Ăn bún nước lèo sẽ mất ngon nếu không có thêm chén muối ớt với những trái ớt hiểm xanh, cay xé.
Người ta cũng thường ăn kèm với bún nước lèo như: thịt quay, huyết heo luộc hay bánh cống, chả giò… Nhưng cho dù ăn chung với thức ăn nào đi nữa, mùi vị của nồi nước lèo vẫn quyết định. Theo cách nấu truyền thống của người Khmer, không dùng soong nhôm mà dùng nồi đất để nấu.
Bún nước lèo là món ăn bình dân mà lại đậm đà hương vị. Thời còn đi học, mỗi lần về thăm nhà, tôi thường đòi má phải nấu bún ăn mấy ngày liền cho "đã thèm". Còn bây giờ, mỗi lần có bạn bè ở xa về, tôi đều chiêu đãi món ăn này.
Về Trà Vinh có nhớ
Hàng me xanh rợp trời
Ao Bà Om thắng cảnh
Bún nước lèo ngon ơi!