Tết Đoan Ngọ nhớ bánh tro Đắc Sở (Hà Nội)
Vào những ngày cuối tháng tư âm lịch, khắp các thôn làng của xã Đắc Sở lại rộn rã hơn để chuẩn bị bánh phục vụ Tết Đoan Ngọ sắp tới (16/6).
Để làm được một mẻ bánh phải mất cả ngày với bốn công đoạn chính là chuẩn bị lá dong, gạo, gói bánh và luộc bánh. Đấy là chưa kể đến việc chế nước tro đã phải chuẩn bị từ trước đó vài tuần. Muốn bánh được trong và thơm, đầu tiên phải kỹ lưỡng chọn loại lá dong tẻ và luộc lên cho mềm, dai. Tro để nguội và được đánh thật kỹ với nước vôi để có một dung dịch trong và màu ánh vàng. Mỗi gia đình có cách sử dụng lượng nước vôi khác nhau tạo nên sự mặn nhạt của loại bánh này. Người làm bánh phải thường xuyên nếm thử mới xác định vị bánh và độ mặn nhạt của bánh hoàn toàn được họ quyết định bởi kinh nghiệm của bản thân, không có tỉ lệ nào giữa tro và nước vôi. Đó cũng là bí quyết riêng khiến hương vị bánh của mỗi gia đình, mỗi miền quê một khác.
Dung dịch nước tro ấy đem ngâm với gạo trong bốn tiếng mới đủ ngấm để gói; bánh lại được luộc trong vòng năm tiếng mới chín nhừ và nuột nà, mềm dẻo.
Bánh tro Đắc Sở cũng được gói với nhiều hình dáng khác nhau như hình vuông, hình trụ (giống bánh giò) hay gói dài (như bánh tẻ)…
Đặc biệt, từ xưa người ta vẫn thường dùng mật mía để ăn kèm bánh tro Đắc Sở. Với vị ngọt nhẹ và thơm tự nhiên, mật mía - bánh tro đã tạo nên một hương vị đặc biệt và trở thành nỗi nhớ riêng của người dân miền Bắc mỗi khi cái nắng nóng, oi bức đầu tháng năm (âm lịch) tràn về…
1. Cái tên “bánh tro” được người dân xa gần dùng phổ biến cũng bởi thành phần chính làm nên món bánh - tro đốt, một nguyên liệu dân dã của người nhà quê.
Hương vị và mùi thơm đặc trưng của bánh chủ yếu do việc chế nước tro của mỗi nhà. Có nhà đốt vỏ bưởi khô lấy tro, có nhà dùng hạt dền gai, vỏ quả thầu dầu, cây vừng hay cũng có nhà dùng rơm nếp… tạo nên sự khác nhau trong hương vị của bánh.
2. Bánh tro trong “ngày giết sâu bọ” - Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5 âm lịch)
Bánh tro (hay bánh ú tro) là một trong số món ăn truyền thống thường có trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân Việt (ở cả hai miền Bắc, Nam).
Theo lý giải của người dân Đắc Sở, truyền thống làm và thưởng thức món bánh tro vào ngày tết Đoan Ngọ của người dân Việt dần hình thành cũng là vì thời điểm này trùng vào lúc nhân dân vừa thu hoạch xong vụ lúa chiêm, đang sẵn các nguyên liệu làm bánh như lá gạo nếp, lá dong, cây dền gai… Bánh tro làm bằng hạt gạo nếp mới, tro đốt kèm rơm nếp khiến món bánh này càng thêm hấp dẫn.
Ngoài ra, bánh tro dễ ăn, hương vị mát và có tác dụng thanh nhiệt rất hợp để thưởng thức trong thời tiết oi bức đầu hạ. Miếng bánh tro dịu mát được ăn kèm với mật mía dẻo thơm, ngọt nhẹ. Đó cũng được xem như một thức ăn để cân bằng với các loại bánh cao lương mỹ vị nhiều đường mỡ trong dịp lễ tết.