Hàng Quạt - Phố nghề xưa của đất Thăng Long
Nguồn gốc phố Hàng Quạt
Phố được xây dựng trên nền đất xưa thuộc hai thôn Tố Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Quạt (Rue des éventails) và tên này được chính thức hóa từ Sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
Phố được gọi là Hàng Quạt vì ở đây có nhiều cửa hàng vừa tự sản xuất và vừa thu mua quạt từ những nơi khác đem về bán.
Nghề làm quạt ở đây do một số người dân làng Đào Xá (còn gọi là làng Đầu Quạt), huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mang đến. Họ đến đây sinh cơ, lập nghiệp và dựng lên một ngôi đình thờ ông tổ nghề quạt ở nhà số 4, gọi là đình Xuân Phiến Thị, tức là “Chợ quạt mùa Xuân."
Quạt bày bán ở phố này có nguồn gốc từ nhiều nơi như quạt Lủ do làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, làm ra. Quạt Lủ gồm nhiều loạt: quạt phất giấy, quạt phất bằng lượt mỏng (một loại lụa thưa, nhuộm màu), quạt có nan bằng xương, quạt có nan bằng ngà...
Quạt Hới của làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, làm ra. Quạt có nan làm bằng trúc; quạt Vác do làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm ra. Quạt được châm bằng kim rất khéo, khi xòe ra và soi lên ánh sáng như là quạt phất bằng lụa.
Quạt của làng Vẽ, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có nan làm bằng tre, nứa đan theo nhiều hình như lá vả, hình thang…; quạt thóc của làng Vo, Gia Lâm, Hà Nội; quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình, quận Hà Đông, Hà Nội.
Ngày nay, phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Những cửa hàng trên phố chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ; tranh thêu; chữ, đối, trướng dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng thi đua.
Trước đây, phố Hàng Quạt gồm ba phố Hàng Quạt, Hàng Đàn và Mã Vĩ.
Phố Hàng Đàn
Phố được gọi là Hàng Đàn vì ở đây có nhiều cửa hàng làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ...
Đến đầu thế kỷ 20, nhiều cửa hàng trên phố Hàng Đàn chuyển sang làm những loại đồ gỗ chạm như long đình, bát bửu, đòn đầu rồng, kiệu bát cống, khám thờ, ngai thờ, bài vị.
Thời gian sau, một số cửa hàng trên phố này lại chuyển sang làm các đồ gỗ thông thường như bàn ghế, tủ, chạn, bàn thờ.
Phố Mã Vĩ
Phố nằm ở phía Tây, đoạn cuối giáp với phố Hàng Nón.
Phố được gọi là Mã Vĩ vì ở đây có nhiều nhà làm và bán các loại trang phục tuồng, chèo, lễ hội; thêu và bán các mặt hàng thêu như cờ, phướn, trướng, lọng và một số đạo cụ sân khấu làm bằng lông đuôi ngựa nên gọi là Mã Vĩ (nghĩa là “đuôi ngựa”).
Về di tích lịch sử
Đền Dâu còn gọi là đền Thuận Mỹ, hiện ở số nhà 64. Nơi đây xưa kia có bãi trồng dâu rất lớn nên nhân dân quen gọi là đền Dâu.Đình làng thờ Thành hoàng Bản Cảnh, hiện ở số nhà 74.
Trường giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, hiện ở số nhà 43. Đây nguyên là một trường tư thục mở sớm nhất ở Hà Nội có tên là trường Trí Tri.
Nhà số 21 là của doanh nhân kiêm nghệ sĩ nổi tiếng Nghiêm Xuân Huyến. Ông từng là chủ nhà in Rạng Đông, đồng thời là chủ bút của hai tờ báo Bắc Kỳ Thể thao (năm 1930) và Con ong (năm 1936) - một tờ báo trào phúng đả kích thực dân và tay sai. Ông còn là người đỡ đầu và là nhạc phụ của cố nhạc sĩ Văn Cao./.