Non nước Việt Nam

Độc đáo nhà sàn của người Thái đen ở Mường Lò (Yên Bái)

Cập nhật: 18/06/2010 08:06:15
Số lần đọc: 3322
Người Thái Đen có nguồn gốc cư trú từ lâu đời tại Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) và có một nền văn hoá phong phú với đời sống tinh thần và tập quán truyền thống luôn được đề cao và phát huy. Trong đó nhà sàn là một nét văn hoá độc đáo và thú vị, là một chỉnh thể thống nhất giữa tính khoa học, hợp lý và mỹ quan.

Qua quan sát ta có thể nhận thấy, nhà sàn truyền thống của người Thái đen Mường Lò có cấu tạo khum khum hình tròn giống mai rùa, hai bên nóc hồi có khắc hình gỗ trang trí gọi là "khau cút". Điều đặc biệt, trong nếp nhà sàn truyền thống là mặc dù được cấu trúc từ các loại cây gỗ và cây có dóng, lợp bằng cỏ tranh hay ván thông, nhưng không hề dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế xây dựng. Tất cả các hệ thống dây chằng buộc, thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt tre, giàn mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng trong rừng. Tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng nhà sàn rất chắc chắn và bền với mưa rừng, gió núi và khí hậu ẩm ướt quanh năm.

 

Nhà sàn là một tổng thể kiến trúc thống nhất. Nếu phân đôi không gian nhà sàn ra chiều dọc nóc thì một bên đồng bào dùng làm chỗ ngủ, gian thờ cúng và một bên làm nơi tiếp khách và sinh hoạt văn hoá khác trong gia đình. Còn nếu bổ phân đôi, bổ ngang theo chiều quá giang thì một bên là "quản" và một bên là "chan". Nhà sàn truyền thống xưa thường có hai cầu thang bắc ở hai đầu hồi của ngôi nhà. Một cầu thang dẫn lên cửa chính bên hồi để vào nội thất, gian đầu tiên là gian thờ tổ tiên. Đó là buồng có vách ngăn được gọi là "hóng", tiếp đến là buồng ngủ của chủ nhà thường được đặt thêm một bếp lửa để cả gia đình cùng sum họp sưởi ấm, chuyện trò trước khi ngủ. Nửa này tính từ giữa nhà để về lan can đầu hồi gọi là bên "quán", bên này chủ yếu dành cho sinh hoạt của đàn ông. Còn một bên là cầu thang lên bên nhà có sân phơi và nơi đặt nước, sàn phơi là nơi để thanh niên, thiếu nữ ngồi kéo sợi, làm vải và những đêm trăng sáng thơ mộng tâm tình cùng bạn trai. Qua cửa là vào gian nấu ăn hàng ngày, nửa này tính từ gian nhà đổ về phía sân phơi gọi là bên "chan", bên này chủ yếu dành cho sinh hoạt của đàn bà gắn với công việc nội trợ.

 

Trong nhà sàn Thái có hai cột rất quan trọng, chứa đựng văn hoá tâm linh của đồng bào, đó là cột "sau chảu sửa" và "sau kẹk". Cột "sau chảu sửa" (cột chủ áo) là một cái cột dựng góc đầu cách gian "hoóng" (gian thờ tổ tiên) với gian ngủ của ông bà chủ. "Chủ áo" là chủ hồn, người Thái quan niệm rằng chiếc áo mặc là vật chứa đựng linh hồn người và người ta thường treo thanh gươm thiêng của dòng tộc hoặc khẩu súng kíp, túi đựng thuốc súng, đạn dược và chỉ có chủ nhà (đàn ông) mới được treo áo của mình lên đó.

 

Cột "sau kẹk" có thể là cột chống cùng quá giang với cột chủ áo hoặc một cái cột nào đó tuỳ thuộc vào đặc điểm của dòng họ và các thế hệ cùng chung sống trong ngôi nhà. Nhưng "sau kẹk" nhất thiết phải là cột phía dưới bên quản. "Sau kẹk" được đánh dấu bởi một cái phên tre đan úp lên đầu cột chỗ có khắc chuôi xuyên chống quá giang, bên trong phên tre đan đó buộc vào chiếc cột một gói thuốc và một gói hạt giống cây trồng.

 

Ngày nay, trong những nếp nhà sàn đã có một số thay đổi, nhưng vẫn có sự chọn lọc, kế thừa để phù hợp với các điều kiện xã hội và nhu cầu ngày càng cao của con người, đồng thời vẫn giữ được những nét văn hoá đặc sắc và tiêu biểu của dân tộc.

Nguồn: Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT