Tam Cốc - Bích Ðộng, một vùng danh thắng
Anh Phạm Duy Phong, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đưa chúng tôi xuống bến đò ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư) để vào Tam Cốc - Bích Ðộng. Không giống như các bến đò du lịch thường lộn xộn và bừa bãi rác do khách xả ra, bến đò nơi đây khá trật tự, với hơn một nghìn chiếc xếp hàng ngay ngắn. Anh Phong cho biết: "Sở dĩ không ai tranh giành khách, trật tự bởi vì Ban quản lý khu di tích đã tổ chức gắn biển đăng ký đến từng đò tựa như đăng ký xe máy. Hành khách mua vé rồi xuống đò theo sự chỉ dẫn của Ban quản lý và sẽ không có hiện tượng du khách bị người lái đò xin thêm tiền ngoài vé. Chỉ cần hành khách phản ánh với Ban quản lý khu du lịch thì chiếc đò ấy bị đình chỉ ngay".
Ðò chúng tôi đi dọc sông Ngô Ðồng với chiều dài chừng ba cây số. "Trước đây dòng sông này cũng tương đối rộng bởi nó thuộc một nhánh của sông Hoàng Long nhưng qua nhiều năm, lòng sông bị bồi đắp và thu hẹp dòng chảy chỉ còn rộng chừng 20 m còn lại trở thành sình lầy và được nông dân xã Ninh Hải cải tạo để trồng lúa. Ðến mùa khô, hai bên sông là cánh đồng lúa. Ðẹp nhất là lúc lúa chín vàng dưới chân núi chạy dài quanh co. Thuyền đi chừng hơn cây số thì gặp một hang lớn. Nước chảy qua chân núi hàng triệu năm mới có thể xuyên thủng quả núi để chảy thông sang bên kia với các nhũ đá rủ xuống mặt nước trong xanh. Ðây là hang Cả, vì to nhất và có chiều dài chừng 130m, rộng 20m. Chúng tôi đi đò qua hang trong không khí mát lạnh khiến ai nấy cảm thấy khoan khoái.
"Ðây là núi Hòn Sách, núi quan văn, núi quan võ", anh Phong tiếp tục giới thiệu khi đò đi dọc theo triền núi. Nơi đây là một trong hai khu đã được tỉnh Ninh Bình quy hoạch chi tiết để tôn tạo và đưa vào sử dụng. Ði thêm đoạn nữa, chúng tôi lại luồn qua chân núi và đến hang Hai có chiều rộng ngắn hơn hang Cả nhưng to hơn hang Ba. Chính vì vậy, người dân mới gọi là Tam Cốc. Hang Ba ngắn nhất với chiều dài chừng 45m, rộng 20m. Trong quần thể di tích ở khu Tam Cốc, có Ðền Thái Vi. Ðây là công trình kiến trúc độc đáo của nhân dân thôn Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) xây dựng để tưởng nhớ các vua Trần. Ðền xây dựng theo kiến trúc "nội công ngoại quốc", phía trước có giếng Ngọc xây bằng đá xanh, phía trong sân có gác chuông hai tầng, tám mái làm bằng gỗ lim có treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hòa thứ 19 (1689).
Ðiều độc đáo là tất cả các cột của đền Thái Vi đều làm bằng đá xanh nguyên khối cao, to được trạm khắc công phu, tinh xảo với đường nét sắc gọn uyển chuyển. Lễ hội của đền mở vào ngày 14/3 (âm lịch) hằng năm để tưởng nhớ các vua Trần. Trong dự án xây dựng khu du lịch sau này, sẽ tạo một dòng chảy dài chừng 3-4 km nối với khu du lịch Tràng An. Quần thể du lịch Tam Cốc hiện có hơn 40 ngôi nhà mang nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ đang được quan tâm tu sửa mang dáng dấp một vùng văn hóa cổ để đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch.
Ði ngược với hướng Tam Cốc là chùa Bích Ðộng nằm trên núi Ngũ Nhạc, một danh thắng được mệnh danh "Nam Thiên Ðệ nhị động" (chỉ đứng sau động Hương Tích - Hà Tây). Bích Ðộng là một ngôi chùa cổ với phía trước là cả một thung lũng trải dài có chi nhánh sông Hoàng Long uốn khúc quanh co, chảy quanh năm ngọn núi quây quần thành cụm như đóa hoa sen. Chùa Bích Ðộng xây dựng quy mô ngay từ thời Hậu Lê với quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433). Ðến thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) chùa được trùng tu và mở rộng thêm, bao gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng nằm trên ba tầng của quả núi. Vào Chùa Hạ phải qua một cầu đá ba nhịp. Chùa xây bằng đá tảng mài nhẵn trông khá bề thế. Cột thềm, lan can cũng bằng đá. Mái chồng lợp ngói mũi hài to bản, hai bên là tòa giải vũ. Bên trái chùa Hạ có lối lên chùa Trung.
Ðó là những tảng đá liền khối đục thành bậc. Chùa Trung nằm kề cửa Bích Ðộng trên vách đá có khắc hai chữ "Bích Ðộng" dựng bia từ thời vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729), bên phải là tấm bia lớn tạc vào sườn núi. Từ chùa Trung lên hơn 20 bậc đá, qua hang Tối có chuông cổ, tượng phật bằng đồng, qua cổng đá cuốn để lên chùa Thượng. Chùa dựng trên điểm cao chót vót gần đỉnh núi. Ðứng trên nền chùa Thượng có thể phóng tầm mắt nhìn chung quanh sơn thủy hữu tình.
Mấy năm trở lại đây, lượng khách du lịch tới Ninh Bình ngày càng nhiều. Năm 2007 hơn 1.500 nghìn lượt người đã tới vãn cảnh di tích lịch sử văn hóa trong đó có khu du lịch Tam Cốc - Bích Ðộng. Nguồn thu của xã Ninh Hải có tới 70% là từ dịch vụ du lịch. Hàng nghìn gia đình của huyện đăng ký chở đò phục vụ du khách. Ngoài ra còn nhiều loại hình dịch vụ khác cũng phát triển như dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, khiến bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. "Nếu chỉ trông vào nghề nông thì nông dân chúng tôi còn nghèo" - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Ðàm Viết Nhi cho biết.
Hằng năm, các xã có nguồn thu chủ yếu bằng dịch vụ du lịch. Nghề nông chỉ chiếm 30% thu nhập của địa phương. Nhờ có chiến lược phát triển du lịch, hướng dẫn nông dân chuyển nghề sang làm dịch vụ mà Hoa Lư đã cơ bản nâng cao thu nhập của mỗi gia đình trong huyện.