Hoạt động của ngành

Quỳ Hợp (Nghệ An): Khai thác văn hóa để thu hút du khách

Cập nhật: 12/07/2010 15:20:15
Số lần đọc: 3915
Tuy không phải là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhưng những năm qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền, biết khai thác nét đặc sắc về văn hoá, ẩm thực của người Thái, Thổ... nên du khách trong và ngoài nước xem Quỳ Hợp như một điểm hẹn du lịch hấp dẫn.

Cùng với bạt ngàn rừng núi tự nhiên và bao la những đồi keo xanh tốt trải dài, Quỳ Hợp còn có những danh lam nổi tiếng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đa dạng sinh học, Hồ Thung Mây hữu tình, hang Nang Ni huyền bí, thác bản Bìa kỳ vĩ...Những thắng cảnh này, dù chưa chính thức được khai thác ở khía cạnh du lịch nhưng đã thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, một phần là nhờ vào sự quảng bá trên các Webs của huyện, của hội đồng hương, hay một số trang web của các trung tâm lữ hành du lịch...
 
Bên cạnh đó, Quỳ Hợp chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống. Từ năm 2006, UBND huyện Quỳ Hợp đã quyết định khôi phục lại lễ hội Mường Ham (Châu Cường). Nét đặc sắc trong lễ hội mường Ham là hội thi viết chữ Thái cổ và nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, bắn cung, kéo co, cồng chiêng... Hiện nay, UBND huyện đang phục dựng lại đền Choọng (Châu Lý) phục vụ đời sống nhu cầu tâm linh của đồng bào, cùng với lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), lễ hội hang Bua (Quỳ Châu) tạo thành chuỗi các hoạt động lễ hội đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc tuyến đường 48, đưa vào khai thác thành sản phẩm du lịch độc đáo.
 
Một trong những yếu tố được huyện quan tâm chú trọng đầu tư là việc khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, Thổ, tạo thành lợi thế riêng để phát triển du lịch. Để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện tập trung vào các hoạt động như: xây dựng Câu lạc bộ Văn hóa dân gian, xây dựng làng, bản thuần dân tộc, ưu tiên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian... Trước tình hình ngôn ngữ dân tộc Thái có nguy cơ mai một, năm 2007 huyện chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ học chữ dân tộc Thái truyền dạy 2 hệ chữ Thái cổ (Lai tay, Lai xứ) thu hút được nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Hàng năm các hoạt động như liên hoan văn nghệ quần chúng, thi ẩm thực, thi trang phục, thi văn hóa rượu cần, thi các môn thể thao dân tộc được tổ chức sôi nổi từ huyện đến cơ sở. Các ngành nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm được khôi phục theo mô hình Hợp tác xã ở Châu Cường, Châu Thái, Châu Quang.

Bên cạnh đó, huyện có cơ chế khuyến khích các xã vùng cao xây dựng nhà văn hóa, nhà truyền thống cấp xã theo kiến trúc nhà sàn. Qua đó, trên địa bàn huyện đã có 5 xã xây dựng công trình nhà văn hóa, nhà truyền thống kiêm thư viện xã theo kiến trúc nhà sàn truyền thống kết hợp với kiểu dáng hiện đại...
 
Nhờ thế, Quỳ Hợp đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục