Đánh thức tiềm năng du lịch Hồ Bể (Sóc Trăng)
Ngành chức năng khảo sát khu tắm biển Hồ Bể
Cách trung tâm thị trấn Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu) chừng 20km về hướng Đông Nam, những bãi cát trắng mịn màng, những thảm thực vật xanh mướt của lớp rừng phòng hộ ngập mặn đặc trưng, cùng dãy nhà tôn thẳng tắp của khu tái định cư, Hồ Bể hiện ra trong ánh ban mai thật tràn đầy sức sống như cô thiếu nữ vùng quê biển đang độ xuân thì. Nét hoang sơ, sự hấp dẫn của Hồ Bể chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách dù chỉ một lần ghé qua.
Địa danh Hổ Bể được hình thành từ quá trình xâm thực của biển. Chính sự bồi, lỡ của biển đã tạo nên khu đất lõm giống như một hồ rộng, nên người dân địa phương gọi là Hồ Bể. Khi thủy triều lên, nước biển vào sâu trong đất liền mang theo những hạt cát trắng từ biển khơi vào; đến khi rút đi, biển hào phóng để lại cho Hồ Bể một bãi cát trắng mịn màng chạy dài gần 20km. Đây chính là nét đặc trưng riêng của Hồ Bể, thích hợp cho việc xây dựng khu bãi tắm (vì trong suốt 72 km bờ biển của tỉnh hầu hết là những bãi bùn). Cách Hồ Bể không xa là Hồ Lạng, Cồn số 15 là nơi sinh sản nghêu giống tự nhiên, chắc chắn sẽ làm ngỡ ngàng du khách.
Khu vực Hồ Bể còn là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều giống loài thủy sản có giá trị. Từ lâu, khu vực này đã hình thành nên những bãi cua biển, nghêu, sò huyết giống... đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Đây sẽ là một trong những hoạt động dã ngoại hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến đây. Sự phong phú về nguồn lợi thủy sản nơi đây luôn được gắn liền với công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Du khách sẽ càng thích thú hơn khi được đi trong những cánh rừng xanh mát, được thỏa thích hít thở nguồn không khí trong lành và được tự tay mình bắt những con cua biển hay nghêu, sò huyết nhỏ nhắn, đáng yêu.
Theo quy hoạch tổng thể, toàn Khu du lịch sinh thái Hồ Bể có tổng diện tích trên 300ha với chiều dài trên 20km trải dọc bờ biển (thuộc ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu). Hiện nay, việc kêu gọi xúc tiến đầu tư (trong giai đoạn đấu thầu đường giao thông vào khu du lịch) đang được khẩn trương thực hiện nhằm biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái biển hấp dẫn có thể thu hút du khách từ các nơi đến tham quan du lịch. Toàn Khu du lịch Hồ Bể được thiết kế với bốn hạng mục lớn và rất nhiều tiểu hạng mục: Khu trung tâm dịch vụ du lịch (diện tích 19,23ha) gồm 7 tiểu khu; khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái (rừng phòng hộ - diện tích 88,32ha) với các hoạt động du lịch sinh thái tìm hiểu thiên nhiên, cắm trại dã ngoại khám phá nguồn đặc sản riêng của Vĩnh Hải (Vĩnh Châu) nói riêng và của Sóc Trăng nói chung; bên trái của khu trung tâm là khu nghỉ dưỡng có diện tích trên 126 ha với gió biển lồng lộng và nguồn không khí trong lành từ những cánh rừng ngập mặn mang lại. Từ đây, du khách có thể đến khu bãi tắm rất thuận lợi để tắm biển hay tham gia vào các hoạt động vui chơi gắn liền với những loại hình thể thao biển cũng như các loại hình thể thao thế mạnh đặc trưng của Sóc Trăng như: Bi sắt, bóng rổ, bóng chuyền... Để thư giãn, du khách có thể đi bộ để cảm nhận sự êm ái từ những bãi cát trắng mịn màng, ngắm nhìn và lắng nghe tiếng sóng biển rì rào để thấy lòng mình thư thái sau những ngày lao động mệt nhọc.
Đến khu du lịch Hồ Bể, du khách có dịp tìm hiểu lịch sử hình thành vùng đất nơi cuối nguồn sông Hậu; nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Châu; tham quan cầu Mỹ Thanh 2, đến thăm mộ và nghe truyền thuyết về Hoàng Cô (Công chúa) Mỹ Thanh ở ấp Sâm Pha, xã Lạc Hòa; thăm bia kỷ niệm nơi thành lập chi bộ Đảng tại ấp Huỳnh Kỳ và nơi dừng chân của đoàn tù chính trị do Bác Tôn Đức Thắng dẫn đầu từ Côn Đảo trở về; hoặc ghé làng nghề trồng rẫy đặc sản của người Hoa, viếng chùa chiền của người Khmer, đình, miếu của người Việt và người Hoa để tìm hiểu đời sống tâm linh của các dân tộc anh em từng kề vai sát cánh trong suốt quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương.
Tất cả sẽ tạo nên một tua du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách! Hy vọng, dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Bể sẽ nhanh chóng được khởi động trong thời gian sớm nhất để phát huy hết tiềm năng Hồ Bể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.