Hành trang lữ khách

Người dân buôn Jun (Đắk Lắk) làm du lịch

Cập nhật: 10/08/2010 08:10:33
Số lần đọc: 2369
Ưu tiên kết nạp xã viên người dân tộc thiểu số tại chỗ, và đa phần là những hộ nông dân có voi nhà, nên hiện nay hợp tác xã (HTX) Du lịch buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) hiện đang sở hữu 22 con voi phục vụ khách du lịch. Đây là HTX du lịch có đàn voi nhà đông nhất nước.

HTX Du lịch buôn Jun được thành lập đầu năm 2001, với số vốn ban đầu 550 triệu đồng, có tổng số 24 xã viên sở hữu 22 con voi nhà. Nếu tính bình quân 200 triệu đồng/con voi, thì tổng trị giá đàn voi nhà của HTX Du lịch buôn Jun lên đến 4,4 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX cho biết: Đàn voi nhà chính là thế mạnh của HTX và lượng khách du lịch đến tham quan danh thắng huyện Lắk ngày một nhiều, ngoài lòng đam mê những cảnh quan nổi tiếng như Hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại, buôn Jun (ở thị trấn Liên Sơn), thác 3 tầng (ở buôn Píp, xã Giang Tao), buôn Liêng (buôn văn hóa điển hình của đồng bào M’nông xã Đắk Liêng) và rừng đặc dụng Nam Ka, thì còn một thú vui nữa là “du lịch trên lưng voi”. 

Chính “du lịch trên lưng voi” đã thu hút ngày một đông du khách, nhất là khách nước ngoài đến huyện Lắk. Được biết, bình quân một tháng, HTX Du lịch buôn Jun đón và phục vụ khoảng 1.000 đến 1.500 lượt khách du lịch, trong đó hơn 50% là khách nước ngoài và điều thú vị là đoàn khách nào đến với HTX cũng đều đặt tour “cưỡi voi” thăm hồ Lắk, thăm buôn Jun, buôn Liêng và rừng đặc dụng. Nhiều hôm, phục vụ đoàn khách đông, HTX phải cùng lúc huy động tới 14 con voi mới đủ cho cả đoàn cưỡi. Theo tính toán của Chủ nhiệm HTX, từ việc phục vụ khách du lịch, bình quân một tháng mỗi chú voi mang về cho chủ nhân (hộ xã viên có voi) từ 6 đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết những chú voi nhà làm du lịch của HTX Du lịch buôn Jun đều đã cao tuổi, ban chủ nhiệm cũng như xã viên HTX này lo ngại rằng chừng 15 năm nữa sẽ không còn voi dể phục vụ du khách, nếu như chính quyền và các ban ngành địa phương không làm tốt công tác bảo tồn, tạo điều kiện cho đàn voi nhà sinh sản.

Bên cạnh thế mạnh là đàn voi nhà, HTX Du lịch buôn Jun còn biết phát huy lợi thế khai thác vốn văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông bản địa vào làm du lịch: Hiện HTX duy trì đội cồng chiêng 15 nghệ nhân, 8 nhà sàn, 20 thuyền độc mộc phục vụ du khách thăm thú, nghỉ ngơi, thưởng thức sinh hoạt văn hóa. Đội nghệ nhân cồng chiêng của HTX đủ khả năng diễn tấu cồng chiêng, múa hát, phục dựng những lễ nghi truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ mừng mùa, lễ cúng sức khỏe cho voi… khi khách có yêu cầu. 

Trong thời gian tới đây, Ban chủ nhiệm cũng như xã viên HTX Du lịch buôn Jun còn có ý định đầu tư xây dựng làng nghề truyền thống. Làng nghề này thu nhận, dạy nghề tạo việc làm cho trẻ mồ côi. Khi làng nghề truyền thống đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra những sản phẩm như: Vải thổ cẩm, gùi, nỏ, cung tên, nhạc cụ dân tộc, rượu cần… phục vụ khách du lịch khi đến tham quan danh lam, thắng cảnh lịch sử, văn hóa, sinh thái huyện Lắk. Những việc mà HTX Du lịch buôn Jun đã và đang làm đã góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch sinh thái-văn hóa cho huyện Lắc, một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch ở Tây Nguyên.

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục