Hoạt động của ngành

Đắk Nông: Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người M’nông

Cập nhật: 11/06/2008 15:06:32
Số lần đọc: 3936
Đồng bào M’nông hiện chiếm khoảng 10% dân số của tỉnh Đắk Nông, là tộc người cư trú lâu đời và có một nền văn hoá hết sức phong phú và đa dạng, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Các già làng M’nông cho biết: dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời và tồn tại song song với sự phát triển của tộc người. Đã thành truyền thống, bất cứ cô gái M’nông nào khi lớn lên đều được mẹ bày cho cách dệt vải để không chỉ dệt cho mình những bộ váy đẹp mà cho cả gia đình sau này. Những bộ váy đẹp nhất được dành cho những ngày lễ hội, cưới xin khi dân làng tụ họp vui vẻ trong tiếng cồng chiêng. Hơn nữa, sản phẩm của ngành nghề thủ công này không những phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn biểu trưng cho những nét hoa văn đặc sắc của tộc người. Thực tế trong những năm trước đây, nghề dệt thổ cẩm đã đem lại nhiều lợi ích cho đồng bào M’nông như tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo việc làm trong thời gian nhàn rỗi và đưa lại thu nhập cho nhiều gia đình. Thế nhưng, trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân đã khiến cho nghề dệt thổ cẩm của người M’nông cũng như các loại hình văn hoá khác bị mai một dần. Một trong những nguyên nhân chính là rừng ngày càng bị tàn phá, vùng nguyên liệu để dệt thổ cẩm bị thu hẹp, đồng thời với sự công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn diễn ra nhanh chóng, cấu trúc bon làng bị phá vỡ, các sản phẩm hàng công nghiệp tràn ngập thị trường, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, họ không còn lo ăn no mặc ấm mà ăn mặc phải đẹp, hợp thời trang, chính vì vậy mà các trang phục thổ cẩm không còn được ưa chuộng như trước đây.


Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông, tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn phát huy lễ hội – hoa văn- cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của người M’nông”. Một trong những mục tiêu của đề án là khôi phục, lưu giữ nét hoa văn trên trang phục thổ cẩm của người M’nông. Trong những năm qua, ngành Văn hoá- Thông tin của tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các địa phương trong tỉnh, thu hút hàng trăm học viên là các phụ nữ, thiếu nữ, các nữ học sinh là người dân tộc thiểu số tham gia học tập. Ngoài ra, tại các bon làng của đồng bào M’nông, nhiều phụ nữ có tay nghề dệt thổ cẩm lâu năm đã ý thức được sự cần thiết phải bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, nên đứng ra phối hợp với chi hội phụ nữ tổ chức các lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho các chị em trong bon, nhằm bảo tồn ngành nghề truyền thống của ông cha để lại. Nhờ đó mà hiện nay ở các bon làng, nghề dệt thổ cẩm đang “hồi sinh” trở lại.

Điều đáng mừng là ở một số bon làng, nhiều gia đình đồng bào M’nông đã biết gìn giữ nghề dệt thổ cẩm để kết hợp phục vụ phát triển du lịch. Bởi hiện nay, khách du lịch có xu hướng tham gia các tour du lịch sinh thái tìm hiểu bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc, nhất là khách nước ngoài. Họ rất ngưỡng mộ những giá trị mang tính bản địa và thường mua sản phẩm thủ công này làm đồ lưu niệm trong những chuyến đi du lịch. Chính vì vậy, gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống này cũng là một nhân tố để thu hút khách du lịch, không những đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi, đồng thời bảo lưu được những nét văn hoá độc đáo của người M’nông.

Nguồn: website Daknong 24h

Cùng chuyên mục