Ninh Bình phát triển du lịch sinh thái: Bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên
Khu du lịch Kênh Gà với suối nước nóng có thể chữa được bệnh; Vân Long là khu đất ngập nước với bầy đàn voọc mông trắng trên vách đá cheo leo; động Tam Giao, động Trà Tu, hồ Yên Đồng, hồ Đồng Chương… đang dần trở thành những địa danh quen thuộc của du khách thập phương; dự án Khu du lịch Tràng An được Chính phủ phê duyệt với diện tích hàng nghìn ha, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái không chỉ nổi tiếng trong nước mà sẽ có nhiều du khách trên khắp các châu lục chọn làm điểm đến trong hành trình tìm nguồn cảm hứng khi được sống gần kề, thân thiện với thiên nhiên.
Du lịch sinh thái được hiểu một cách đầy đủ là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá bản địa. Tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch sinh thái trước hết là thiên nhiên, không có thiên nhiên không có du lịch sinh thái. Ngược lại, du lịch sinh thái không tách rời giáo dục môi trường sinh thái. Các hoạt động của du lịch sinh thái hướng tới nâng tầm nhận thức của con người sống thân thiện với thiên nhiên; khám phá, hưởng thụ và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững.
Một đặc trưng của du lịch sinh thái là các hoạt động có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Vai trò của họ cùng với văn hoá bản địa làm nên sản phẩm du lịch sinh thái khác nhau, các loại hình du lịch khác nhau. Để du lịch sinh thái thành công cụ của bảo tồn nhất thiết phải phối hợp tốt giữa các bên tham gia vào du lịch. Đây là vấn đề mấu chốt trong quan hệ giữa bảo tồn và du lịch sinh thái. Vì vậy cần xây dựng niềm tin và nhận thức chung trong hoạt động du lịch sinh thái. Không cho rằng bảo tồn là đóng kín và ngược lại không nên hiểu rằng làm du lịch sinh thái chỉ là khai thác tự nhiên đơn thuần. Trước hết phải hiểu được những khu vực, những việc được làm và không được làm trong khu bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái.
Xuất phát từ yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, từ lợi thế và tiềm năng về du lịch sinh thái, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2010, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với ngành Du lịch và các địa phương liên quan triển khai một số việc và đã thu được kết quả ban đầu: Xây dựng quy hoạch các tuyến du lịch trong khu rừng văn hoá, lịch sử, môi trường Hoa Lư và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Trên cơ sở quy định trong quy chế quản lý 3 loại rừng, giúp tỉnh ban hành quy định cụ thể việc bảo vệ rừng đặc dụng do tỉnh quản lý. Tham mưu để tỉnh ban hành quyết định những khu vực cấm săn bắn nhằm bảo vệ sinh cảnh cho động vật hoang dã, đồng thời bảo vệ các điểm tham quan du lịch của tỉnh.
Bằng nhiều hình thức, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với ngành Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của những tổ chức, cộng đồng, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch như: Mở lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp hoạt động du lịch, cho các hộ dân tham gia vận chuyển khách những hiểu biết cơ bản về du lịch sinh thái và mối quan hệ giữa lợi ích của bảo tồn với du lịch sinh thái. Phối hợp với một số xã xây dựng các dự án nhỏ nhằm tạo cơ chế cho cộng đồng địa phương được tham gia hoạt động bảo tồn và có thu nhập từ du lịch sinh thái. Thông qua đó, chính cộng đồng phải tích cực bảo vệ tài nguyên du lịch, thực chất là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh thái.